Skip to content
Trang chủ » Kinh nghiệm xử lý vỏ thông trồng lan sạch sẽ không bị mốc

Kinh nghiệm xử lý vỏ thông trồng lan sạch sẽ không bị mốc

Vỏ thông băm nhỏ trồng lan

Nếu để nói về giá thể trồng lan tốt, bền và rẻ thì vỏ thông luôn là sự lựa chọn hàng đầu của tôi cũng như rất nhiều các nhà vườn khác. Vậy thì có những loại vỏ thông nào hiện nay, cách xử lý vỏ thông trước khi trồng lan như thế nào? Cùng chamlan.com tìm hiểu ngay dưới đây nhé!

Tại sao chúng ta nên sử dụng vỏ thông trồng lan?

Trước hết, chúng ta cần hiểu vai trò của giá thể vỏ thông trồng lan. Đây là nơi cho cây lan bám rễ vào, giúp cây cố định chắc chắc và không bị lung lay.

Đồng thời, đây cũng là nơi mà bộ rễ của cây có thể hấp thụ nước và dinh dưỡng để phát triển. Vậy thì tại sao vỏ thông lại được người chơi lan ưa chuộng đến vậy?

Thứ nhất, vỏ thông rất dễ kiếm

Những cánh đồi, cánh rừng Việt Nam được trồng rất nhiều thông, trải dài từ các tình phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La,… cho đến các tỉnh khu vực Tây Nguyên hay Bình Thuận,… rất rất nhiều. Những cây thông được trồng lấy nhựa lâu năm chắc hẳn lớp vỏ rất xù xì bong tróc, chúng ta có thể thu nhặt chúng lại mang về trồng lan cực kì dễ dàng.

Vỏ thông băm nhỏ trồng lan
Vỏ thông băm nhỏ trồng lan

Tuy nhiên khi thu hoạch các bạn chú ý không nên làm ảnh hưởng đến cây và hạn chế lửa nhé, nhất là lửa từ thuốc lá hay trong quá trình đi bắt ong. Những cánh rừng thông rất dễ bén lửa nên các bạn cần hết sức cẩn thận.

Thứ hai, loại này khá rẻ

Cũng vì vỏ thông hiện nay dễ kiếm nên chúng được bán khá rẻ so với những loại giá thể khác. Đâu đó trên thị trường tôi thấy loại nguyên tảng chưa băm hoặc lẫn lộn lung tung ở khoảng 8 nghìn/ cân; giá vỏ thông băm khoảng 10 nghìn đến 15 nghìn/ cân, và loại đã xử lý đóng gói về chỉ việc trồng khoảng 20 nghìn/ cân và thường là đã đóng gói sẵn sẽ có giá cao hơn chút. ( Giá này tôi lấy ở cuối tháng 4 năm 2020, các bạn đi mua vỏ thông thì để ý tránh bị bán đắt nhé, tất nhiên là tiền nào của nấy thôi).

Thứ ba, vỏ thông có thể sử dụng cho nhiều loại cây khác nhau

Vỏ thông hiện nay có nhiều kích cỡ khác nhau dùng cho nhiều loại lan từ đơn thân cho đến đa thân. Loại kích thước to dùng cho cây có bộ rễ to, kích thước nhỏ cho cây có bộ rễ nhỏ. Hiện nay vỏ thông được băm sẵn để bán phổ biến ở các loại kích thước như:

Loại 3x4cm: Loại này là loại to nhất, thường được dùng cho cây đơn thân, dòng giáng hương,… Có thể kể đến như quế tím, hoàng nhạn, đai châu, hồ điệp, sóc, chồn, cáo,…

Loại 1x2cm: Loại này vừa vừa, dùng cho các loại lan dòng hoàng thảo như phi điệp, hạc vỹ, long tu, hoàng thảo vôi, kim điệp, hoàng lạp,…

Loại vụn đỗ: Loại này giữ ẩm rất tốt, chúng ta có thể dùng cho ươm cây con, trồng lan hài, địa lan hay rải trên mặt trên cùng của chậu lan cho nó giữ ẩm.

Thứ tư, vỏ thông giữ ẩm cao

Vỏ thông băm nhỏ trồng lan rất tốt
Vỏ thông băm nhỏ trồng lan rất tốt

Vỏ thông thực ra không giữ ẩm nhiều khi mới trồng, tuy nhiên khi ổn định từ vài tháng trở đi thì nó giữ ẩm rất ổn, không quá nhiều như dớn mềm, không khô như than củi. Nếu trồng vỏ thông thì 1-2 ngày bạn tưới là phù hợp. Với thời gian như vậy thì đa số với chúng ta là phù hợp nên các bạn có thể yên tâm sử dụng.

Thứ năm, thoát nước tốt

Mặc dù vỏ thông giữ ẩm cho cây lan rất tốt nhưng chúng cũng có thể thoát nước rất nhanh. Nếu kích cỡ giá thể của cây càng lớn thì nước thoát càng nhanh. Bạn có thể dùng vỏ thông cho cây mà không lo cây bị úng nước trong quá trình trồng.

Tôi ít khi dùng nguyên giá thể vỏ thông để trồng, thường đáy chậu cứ làm vài cục xốp cho thông thoáng chậu, vừa nhẹ mà lại thoát nước tốt, thoáng bộ rễ bên trong. Bên trên vỏ thông trộn với dớn cọng xay nhỏ là ổn, cây thoát nước cực nhanh mà vẫn đảm bảo độ ẩm.

Thứ sáu, vỏ thông lâu mục

Không như các loại giá thể khác, vỏ thông có thể có độ bền từ 2 đến 4 năm mới phải thay. Với thời gian như vậy thì thường cây lan đã phải thay chậu rồi. Các loại giá thể hiện nay như dớn, than hay gỗ cũng chỉ được tầm này là phải thay.

Thứ bảy, ít bị nhiễm bệnh

Trong vỏ thông có chứa chất Resin nên có tính sát khuẩn cao, lâu mục, không đóng rêu, ít có mầm bệnh các loại nấm hại. Loại vỏ thông đủ ẩm có thể không bị nấm như các loại giá thể thông thường khác.

Các loại vỏ thông trồng lan

Lá cây thông
Cây thông 2 lá và cây thông 3 lá vỏ cây cũng rất khác nhau

Trên thị trường hiện nay có 2 loại vỏ thông cơ bản nhất, đó là vỏ cây thông 2 lá và vỏ cây thông 3 lá. Mỗi loại có một ưu nhược điểm khác nhau:

Vỏ thông 2 lá ( thông nhựa – trồng để lấy nhựa thông )

cây thông 2 lá
Đây chính là hình ảnh cây thông 2 lá, loại thông chuyên dùng để lấy nhựa

Vỏ của cây thông 2 lá xù xì, rất cứng và khó đập vỡ vụn. Loại này nó cứng như đá và đóng thành từng tảng lớn. Ưu điểm của loại vỏ thông này là rất bền, được khoảng 3-5 năm mới phải thay giá thể. Khi cắt nhỏ thì các cạnh của nó cũng không sắc, rất phù hợp trồng các loại lan đơn thân như đai châu, cáo, sóc, chồn,…các loại lan có rễ to và không thích thay giá thể nhiều lần.

Vỏ cây thông nhựa rất cứng và xù xì
Vỏ cây thông nhựa rất cứng và xù xì

Vỏ thông 3 lá ( thường trồng lấy gỗ và làm bột giấy )

Cây thông 3 lá
Đây chính là hình ảnh cây thông 3 lá

Vỏ thông 3 lá bạn rất dễ nhận biết bởi nó có cấu tạo thành từng lớp, khi bẻ chúng ta dễ dàng tách thành từng lớp nhỏ ra. Loại này trên thị trường là phổ biến hơn cả. Loại vỏ thông 3 lá này khá mềm, giữ ẩm tốt, và đặc biệt là tốt với những loài lan thân thòng hơn cả do rễ chúng khá nhỏ.

Đây là vỏ cây thông 3 lá, rất dễ tách
Đây là vỏ cây thông 3 lá, rất dễ tách

Tuy nhiên loại vỏ thông 3 lá này khi băm sẽ có các cạnh sắc dễ gây tổn thương rễ cây. Do đó bạn lưu ý cần phải mài các cạnh này cho tròn trước khi trồng.

Vỏ thông 3 lá này giữ ẩm tốt và phù hợp cho các loại cây phi điệp, hạc vỹ, vôi, long tu, trầm,…

Vỏ thông 3 lá có tuổi thọ 2-3 năm.

Các bước xử lý vỏ thông trồng lan đúng cách

Thực ra thì vỏ thông cũng xử lý rất đơn giản giống như xử lý dớn. Các bước làm như sau:

Bước 1: Băm nhỏ vỏ thông như ý muốn

Bạn có thể băm to để trồng loại rễ to, băm nhỏ trồng loại rễ nhỏ hoặc băm vụn để trồng lan hài, địa lan,… Nếu bạn mua vỏ thông trên mạng đã băm sẵn rồi thì bỏ qua bước này.

Bước 2: Ngâm vỏ thông vào nước

Đổ toàn bộ vỏ thông đã băm vào chậu nhựa chứa nước sạch, ngâm chúng vào đó cho ngấm nước khoảng 3-5 ngày. Khi vỏ thông ngậm đủ nước chúng sẽ không bị nấm mốc do chất resin có trong đó diệt khuẩn rất tốt.

Bước 3: Ngâm nước vôi

Bạn tiến hành ngâm toàn bộ vỏ thông này vào một chậu to đựng nước vôi, nước vôi trong hay đục được hết, ngâm vào đó khoảng 2 ngày.

Xử lý vỏ thông trồng lan trong nước vôi
Xử lý vỏ thông trồng lan trong nước vôi

Các bạn lưu ý ngâm vôi là chất kiềm nên ko dùng chậu nhôm để đựng nhé, nó ăn mòn và xỉn màu chậu nhôm hỏng đấy!

Bước 4: Xả sạch lại với nước và sử dụng

Tiến hành xả sạch vỏ thông, sau đó phơi ráo nước và cất đi sử dụng dần. Nếu các bạn ngâm bằng nước vôi đục cần phải xả sạch phần cặn màu trắng này đi nhé!

Lưu ý quan trọng khi trồng lan bằng vỏ thông:

  • Vỏ thông sau khi xử lý sẽ có vụn và kích thước không đều, bạn nên sàng qua để sử dụng cho phù hợp mục đích.
  • Vỏ thông cũng là loại giá thể ngậm muối nhiều gần như than củi, do vậy mỗi tháng bạn nên tưới đẫm cho cây 1 lần để xả vợi muối cho cây bớt xót rễ trong quá trình bón phân.
  • Sau một thời gian sử dụng, có hiện tượng vỏ thông bị nấm mốc trắng. Mặc dù bạn đã xử lý vỏ thông rất kĩ nhưng vẫn bị nấm mốc là chuyện bình thường. Trong không khí có các bào tử nấm bay khắp nơi, chúng có thể rơi lại và phát triển nếu môi trường phù hợp. Và đặc biệt, những chậu lan ướt đều hoặc khô đều lại không bị nấm trắng, ngược lại những chậu lan bên trên ẩm, bên dưới khô hoặc ngược lại thì lại hay bị. Đây là môi trường phù hợp cho nấm phát triển. Do đó bạn nên lưu ý trồng lan nên để chậu thoáng, thoát nước tốt và không nên chọn chậu lan quá sâu.

Trên đây là cách xử lý vỏ thông cực kì đơn giản tại nhà cho tất cả các loại lan. Chúc các bạn thành công!

Xem thêm:

4/5 - (5 votes)
Loading...