Lan phượng vĩ là một loài có mặt hoa đẹp, rực rỡ, lại dễ trồng, có khả năng chịu hạn, chịu nóng tốt. Đây là lý do mà loài lan này thường được yêu thích và được nhiều người lựa chọn. Chỉ cần có một bụi phượng vĩ này thôi đảm bảo bất kỳ góc sân vườn nào cũng vô cùng rực rỡ và bắt mắt.
Tên gọi, nguồn gốc của lan Phượng Vĩ
Tên gọi: Loài lan này có tên khoa học là Renanthera imschootiana Rolfe, ở miền Bắc Việt Nam thường được gọi là Hoa Lan Phượng Vĩ, ngoài ra loài lan còn có tên gọi khác là Hoa Huyết Nhung Trơn tại khu miền Nam.
Nguồn gốc và phân bố: Lan Phượng Vĩ là loài đặc trưng của chi Khô mộc – Renanthera. Lan Phượng Vĩ được tìm thấy đầu tiên tại Assam,Myanmar và còn xuất hiện nhiều ở phía Nam Trung Quốc trên các thân cây và dọc theo các hẻm núi trong rừng thường xanh ở vùng đất thấp ở độ cao 500 đến 1500 mét. Ở Việt Nam loài lan này được tìm thấy nhiều ở Lâm Đồng, Tây Nguyên (Gia Lai, Kontum, Daklak), Khánh Hòa và Nam bộ
Cách nhận biết Lan Phượng Vĩ dễ dàng
Thân: Lan Phượng Vĩ là loài lan đơn thân, sống phụ sinh, dạng thân leo cao và mập có thể dài từ đến 3 – 5m.
Rễ: Phượng Vĩ là loại thân leo nên có rất nhiều rễ, rễ lan dài màu xám trắng bám vào thân gỗ để cố định thân lan, đầu rễ thường có 1 đoạn ngắn màu xanh non.
Lá: Lá Phượng Vĩ xếp thành 2 dãy đối xứng nhau, có hình giải thuôn dài giống lan Giáng Hương, lá tròn và dày, mỗi lá dài khoảng 10 – 20cm, trên các lá đều tròn ở đỉnh và chia 2 thùy không đều.
Hoa: Đúng như cái tên của nó, loài lan này có màu đỏ rực như hoa phượng, có cụm hoa lớn, trong mặt phẳng. Hoa màu đỏ lớn 5cm, cánh môi màu đỏ đậm, thùy bên có vạch dọc, màu vàng. Phiến hoa nhẵn, dài từ 3 – 4cm, lá đài to, môi có thuỳ giữa đỏ đậm, thuỳ bên màu vàng có sọc dọc, mỏng khoảng 5mm. Hoa già rụng cánh sẽ xuất hiện quả nang khá to. Hoa thường nở vào tháng 5-7 cùng mùa với hoa Phượng Vĩ.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc lan phượng vĩ
Cách trồng lan phượng vĩ:
Giá thể: lan phượng vĩ có nhiều rễ chống, bám trên thân nên chúng ta có thể lựa chọn vỏ thông, vỏ gỗ mục. Ngoài ra, rễ lan có thể bám lên các bề mặt nhẵn như đá, tường xi măng hoặc ghép trực tiếp lên các loại cây thân gỗ còn sống khác.
Giống lan: lưu ý nên chọn các ngọn lan có chiều dài từ 30-50cm, tươi, chưa ra rễ mới. Lá ngắn 7-13cm, cứng cáp, căng nước không bị nhăn nheo. Ngọn lan phải có màu xanh lục vàng, xanh lục nâu và không xuất hiện đốm ở lá.
Cách trồng: rễ cắt tỉa chỉ để lại khoảng 10-20 cm, và giữ lại cành rễ cấp 1 từ thân. Vì những loại rễ như vậy thì sức sống mãnh liệt hơn, loại bỏ các loại rễ khô, đen, hư. Ghép lên gỗ bằng cách sử dụng dây kẽm buộc lan, buộc cố định chắc chắn thân vào giá thể, chú ý là buộc vòng chữ X, để cây không bị chặn nguồn nước và dinh dưỡng lưu chuyển trong cây. Sau đó bỏ khô không tưới trong 3 ngày đầu tiên. Nhằm giúp vết thương, khi thao tác ghép được lành miệng. Sau đó tưới cho lan một chút nước và theo dõi sự phát triển của lan.
Cách chăm sóc lan phượng vĩ
Nhiệt độ và ánh sáng: Lan phượng vĩ là loại lan ưa nắng, ánh sáng, trồng lan này không cần thiết phải sử dụng mái che, ánh sáng thích hợp cho cây có thể là 100%.
Nước tưới: Sau khi ghép cây 2-3 ngày thì không được tưới nước cho cây. Sau thời gian đó ta thực hiện tưới, nên tưới 7 ngày/lần do đặc tính cây không ưa nước.
Bón phân: Không nên bón phân khi lan chưa ra rễ mới. Sau khi cây đã ra được rễ mới, từ tháng 4-10 ta thực hiện bón phân 30-10-10 + TE grow more, liều lượng 1g/ 4 lít nước, phun ướt đều cả 2 mặt lá. Trong tháng 10 thực hiện phun phân bón 6-30-30+TE grow more, nồng độ 1g/4lit để đảm bảo lan phát triển và cho hoa đúng vụ. Từ tháng 10 trở đi, không bón và để cây chịu hoàn toàn điều kiện tự nhiên. Đặc biệt là vào mùa đông không nên bón phân cho lan.
Phòng chống sâu bệnh: Lan phượng vĩ sống cực khoẻ nên các bạn không cần quá chăm sóc đến nó đâu, tiện tay phun phòng bệnh cho các loài lan khác thì phun, không thì nước vôi trong 1 tháng 1 lần là được. Cây có khả năng sống rất tốt và phát triển nhanh chóng.
Lan phượng vĩ là loài lan đẹp, nở rộ, chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng khi chăm sóc chúng đến khi nở hoa đó. Thêm chậu lan Phượng Vĩ vào trong bộ sưu tập lan chắc hẳn sẽ giúp khu vườn của bạn thêm độc đáo và rực rỡ hơn.
Xem thêm:
- Điểm danh những loài lan có khả năng chịu nắng tốt nhất
- Loài lan chịu hạn, chịu nắng không cần chăm bón: lan vảy rồng