Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Lan chuỗi ngọc: nhận biết, cách trồng và chăm sóc cực đơn giản

Lan chuỗi ngọc: nhận biết, cách trồng và chăm sóc cực đơn giản

Lan hoàng thảo chuỗi ngọc mọc tự nhiên

Nhắc đến lan chuỗi ngọc, chúng ta sẽ liên tưởng đến những vòng hạt châu báu thật lung linh của quan lại, vua chúa ngày xưa. Tuy nhiên, lan chuỗi ngọc không phải cho hoa như vậy mà chính thân của nó như thế. Chúng ta hoàn toàn có thể ngắm những chuỗi ngọc xanh mướt này ngay cả khi mới trồng. Vậy cách nhận biết lan chuỗi ngọc như thế nào, làm sao để chúng ta có thể thuần hóa được loài lan này trong vườn nhà?

Tìm hiểu lan chuỗi ngọc trong khoa học

Lan hoàng thảo chuỗi ngọc có tên khoa học là Dendrobium findlayanum. Đồng danh: Callista findlayana (Parish & Rchb. f.) Kuntze 1891.

Ở Việt Nam, chúng ta hay gọi là lan chuỗi ngọc hay chuỗi ngọc Điện Biên. Vốn dĩ nó có cái tên như vậy vì chúng có xuất xứ ở Điện Biên.

Lan hoàng thảo chuỗi ngọc mọc tự nhiên

Lan hoàng thảo chuỗi ngọc mọc tự nhiên

Mô tả: Phong lan, thân đứng, giả hành thắt đốt. Hoa mọc ở các đốt mọc từ các đốt của thân, hoa to nở vào mùa Xuân

Nơi mọc: Điện Biên, Sơn La, Kon Tum. Trên thế giới nó được tìm thấy ở Himalayas Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, và Lào ở độ cao khoảng 1.000-1700m so với mực nước biển, trong khu rừng hỗn giao.

Điều kiện nuôi trồng: Trồng nơi có nắng sáng hay chiều

Nhiệt độ thích hợp: 15.6-32.2°C

Nhiệt độ lạnh hơn: 10-26.7°C

Độ ẩm: 50-70%. Thích hợp trồng trên cành cây hay mảnh gỗ.

Đặc điểm nhận biết lan chuỗi ngọc

Thân lá

Lan hoàng thảo chuỗi ngọc có thể dài đến 50cm

Lan hoàng thảo chuỗi ngọc có thể dài đến 50cm

Mô tả: Đây là loài phong lan lớn, thân dẹt, 6-8 đốt phình ra như gióng trúc. Thân cây có  màu xanh nhạt đến vàng nhạt, thân dài đến 22 inch (hơn 50cm). Lá màu xanh tươi sáng, có hình elip hẹp, lá rụng theo mùa.

Thân khá cứng và mập mạp. nên trong tự nhiên chúng hướng lên trên, mọc thành từng bụi chứ không buông thả như các dòng lan thân thòng hạc vĩ, phi điệp,…

Mặt hoa

Hoa nở vào mùa đông và mùa xuân trên một cuống ngắn, cụm hoa phát sinh từ các đốt cây đã rụng lá gần phía đỉnh, hoa có màu sắc thay đổi, có mùi thơm.

Mặt hoa lan chuỗi ngọc

Mặt hoa lan chuỗi ngọc

Mỗi cụm hoa có từ 1 – 3 chiếc, to 7-8 cm, mọc từ các đốt gần ngọn, nở vào Đông-Xuân, thơm và lâu tàn. Giống hoa có đốm đen ở trong họng. Đầu các cánh hoa có phớt tím hồng đậm nhạt khác nhau tùy vùng miền. Với mỗi vùng khí hậu khác nhau mà chuỗi ngọc có thể cho khuôn bông khác nhau, màu sắc cũng thay đổi nhưng nhìn chung là không quá nhiều.

Chuỗi ngọc có nhiều mặt hoa khác nhau

Chuỗi ngọc có nhiều mặt hoa khác nhau

Hướng dẫn bạn cách trồng lan chuỗi ngọc

Lan chuỗi ngọc là loại lan được giới chơi lan nhận định là tương đối đẹp nhưng khó thuần. Vốn dĩ nó như vậy vì đặc tính nó rất ẩm ương: ưa nắng nhưng lại muốn ẩm. Do vậy đa số các giò lan chuỗi ngọc hiện nay thuần được là ở nhà vườn có thể kiểm soát được các điều kiện sống của nó.

Thời điểm trồng lan chuỗi ngọc phù hợp:

Tốt nhất là cuối mùa nghỉ, cây chuẩn bị một chu kì phát triển dài. Vào mùa xuân, bộ rễ không còn phát triển, lá cũng rụng bớt nên ghép cây không bị chột, dễ thích nghi với môi trường hơn. Nếu cây đang nụ hoặc hoa thì bạn chỉ nên để chúng nở số lượng nhỏ để biết mặt hoa thôi, còn lại cắt hết để cây tập trung dưỡng chất nuôi mầm cây mới.

Hướng dẫn các bước trồng chuỗi ngọc chi tiết:

Bước 1: Xử lý cây khi mới mua về: xử lý nấm và kích rễ cho cây bằng chế phẩm Hùng Nguyễn trong khoảng 15-20 phút, sau đó treo ngược nơi thoáng gió, tránh nắng mưa trực tiếp.

Bước 2: Ghép cây vào giá thể đã chuẩn bị sẵn và được xử lý trước.

Về lan chuỗi ngọc bạn có thể ghép vào gỗ cũng được, dớn bảng hoặc dớn đĩa cũng được, ghép chậu cũng được, tuy nhiên phải đảm bảo cây thật sự thoáng gốc, thoát nước nhanh và có độ ẩm cao. Nếu bạn đảm bảo cây được cung cấp ẩm tốt thì có thể trồng vào gỗ, nếu không cứ trồng dớn là ok.

Cách trồng hoàng thảo chuỗi ngọc vào gỗ, lũa

Cách trồng hoàng thảo chuỗi ngọc vào gỗ, lũa

Với trồng chuỗi ngọc bằng gỗ, bạn sử dụng dây thít nhựa cố định gốc cây vào thật chắc chắn, chỉ lót một chút rêu, dớn thật mỏng cho cây là được.

Với trồng lan chuỗi ngọc vào dớn bảng, dớn đĩa thì bạn cần phải đục lỗ cho chúng thoát nước nhanh. Loại này ưa ẩm nhưng đọng nước ở gốc là ra đi ngay. Sau đó ghép cây cố định gốc chắc chắn, và nhớ phải để gốc nó nhô cao lên sao cho khi mưa nhưng có gió thổi thì gốc cây sẽ nhanh khô và bên dưới bộ rễ vẫn đáp ứng đủ ẩm.

Lan chuỗi ngọc ghép dớn bảng

Lan chuỗi ngọc ghép dớn bảng

Chuỗi ngọc rất hợp để ghép dớn bảng đó chứ!

Chuỗi ngọc rất hợp để ghép dớn bảng đó chứ!

Trồng lan chuỗi ngọc vào chậu thì bạn có thể sử dụng giá thể như sau: 1 lớp xốp bên dưới cùng của chậu, 1 lớp ngói ( gạch non) hoặc than củi, 1 lớp vỏ thông trộn dớn vụn, và trên cùng là đặt gốc cây lên. Chúng ta lưu ý cố định gốc cây ngang bằng miệng chậu và để thoáng, phủ 1 lớp rêu xung quanh miệng chậu và cách xa gốc cây.

Các bạn lưu ý phần thân của chuỗi ngọc khá nặng nên chúng cần phải buộc cố định tránh làm lay gốc cây.

Sau khi trồng, các bạn không nên tưới gì, treo chỗ nắng nhẹ, tránh mưa hoàn toàn. Sau đó 2 ngày mang xuống tưới đẫm, rồi treo lên giàn, khu vực cho lan mới ghép. Sau đó mỗi ngày 1 lần tưới phun sương cho cây mọc mầm và ra rễ. Bạn có thể sử dụng thuốc kích rễ pha loãng như Hùng Nguyễn hoặc Vitamin B1 cho cây nhanh ra rễ hơn.

Cách chăm sóc lan hoàng thảo chuỗi ngọc như thế nào?

Lan chuỗi ngọc ưa ẩm

Do vậy, nếu giá thể của bạn không giữ được ẩm thì bạn cần tăng tần suất tưới của cây lên, chẳng hạn như ghép gỗ. Khi cây đã thuần ra cây con và rễ thì bạn có thể tưới cho cây định kì 2 – 3 lần/ tuần. Nếu bạn trồng chậu, cây giữ ẩm tốt thì cân nhắc tưới chế độ cho phù hợp.

Cây không thích tưới vào ngọn, mưa dầm sẽ khiến cây hỏng bộ rễ và chết dần. Do vậy khi mưa nhiều ngày bạn cần có biện pháp xử lý kịp thời. Những cây mọc ở nơi có độ ẩm cao thường mọc cao hơn và tán lá to và đẹp hơn cây trồng ở những nơi có độ ẩm thấp.

Vào mùa thu, giảm dần việc tưới nước và đến mùa đông, bạn có thể ngưng hẳn việc tưới nước cho cây.

Cây ưa sáng nhưng không thích nóng quá

Do vậy bạn nên treo lan chuỗi ngọc ở vị trí có thể đón được ánh nắng mặt trời tốt và phải đảm bảo nhiệt độ vừa phải. Đây chính là bài toán khó cho nhiều người chơi loại này. Bạn có thể treo chúng bên dưới tấm lợp nhựa sáng và dưới 1 lớp lưới đen là phù hợp. Như vậy nhiệt độ cũng giảm đi khá nhiều và kiểm soát được toàn bộ lượng nước.

Chế độ phân bón cho lan chuỗi ngọc

Lan chuỗi ngọc phù hợp với loại phân bón 30-10-10, sử dụng trong thời kì cây con đang phát triển mạnh nhất ( mùa xuân và mùa hè). Đến mùa thu và đông không cần sử dụng phân bón.

Mấy loại lan khó tính này bạn không nên sử dụng phân bón hữu cơ hay phân tan chậm, nếu có chỉ sử dụng liều thật nhẹ, tránh ảnh hưởng đến bộ rễ.

Trên đây là toàn bộ cách nhận biết, trồng và chăm sóc lan chuỗi ngọc. Đây là loài lan mang nhiều ý nghĩa may mắn và tài lộc nên được rất nhiều người ưa thích.

Tham khảo giá lan chuỗi ngọc tại đây >>

Xem thêm:

Loading...