Nhắc đến lan hồ điệp, chắc hẳn bạn đều đã từng nghe qua loài lan nổi tiếng này. Những chùm hoa to, sặc sỡ nhiều màu sắc đua nở mỗi dịp tết khiến ai nấy đều mong muốn sở hữu ngay để trang trí nhà. tuy nhiên có thể bạn không biết rằng ngoài tự nhiên có rất nhiều giống lan hồ điệp rừng sai hoa mà cực lâu tàn vẫn lặng lẽ khoe sắc giữa đất trời.
Tên gọi của lan hồ điệp
Lan Hồ điệp có tên khoa học Phalaenopsis Blullle, 1825.
Họ phụ Vandoideae. Tông Vandeae.
Tên gọi Phalaenopsis có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp, Grec Phalaina có nghĩa là “con bướm” và Opsis có nghĩa là “giống như”.
Phaenopsis mannii – Phong lan Hồ Điệp rừng tự nhiên Việt Nam
Phân loại lan hồ điệp rừng Việt Nam
Ở Việt Nam, lan hồ điệp rừng phổ biến nhất là 13 loại này:
- Phaenopsis mannii Rchob.F ( Hồ điệp Ấn)
- Phalaenopsis gibbosa Sweet ( Hồ điệp trung)
- Phalaenopsis lobbii Rchob. F ( Hồ điệp Cúc Phương)
- Phalaenopsis fuscata Rchob. F ( Hồ điệp sơ pai)
- Phalaenopsis cornu-cervi. ( Hồ điệp sừng nai)
- Phalaenopsis braceana (Hook. f), Christenson ( Hồ điệp)
- Phalaenopsis regnieriana Rchb. f. ( Tiểu hồ điệp, Hồ điệp Phú Quốc)
- Phalaenopsis honghenensis F.Y. Liu ( Chưa có tên tiếng Việt)
- Phalaenopsis sumatrana* Korth. & Rchb. f.
- Phalaenopsis wilsonii* Rolfe
- Phalaenopsis chibae T. Yukawa
- Phalaenopsis deliciosa Rchb. f.
- Phalaenopsis finleyi Christenson
Nhìn chung lan hồ điệp rừng có kích thước hoa khá nhỏ, không nổi bật nên thường ít được chú ý đến. Tuy nhiên đây đều là những nguồn gen thuần chủng cung cấp cho công nghệ lai tạo tế bào và nhân giống nhà vườn rất quý cần được bảo tồn.
Cách nhận biết lan hồ điệp rừng
Hồ điệp là lan kích thước tương đối nhỏ. Là loài lan đơn thân, thân ngắn, lá dày, mọc sát vào nhau. Tùy loại lan hồ điệp rừng mà có loài lá to, bản lá phẳng, cũng có loài lá nhỏ, đầu lá nhọn chứ không bầu. Hồ điệp rừng mọc ở nơi nhiều nắng thì lá có xu hướng nhỏ, đôi khi có màu tía.
Phát hoa mọc từ nách lá, dài, đơn hay phân nhánh. Lá đài và cánh hoa phẳng, trải rộng, thường thì lá đài giống và gần bằng cánh hoa. Môi hoa cong dẹp có hai râu dài. Trụ hình bán nguyệt, thẳng hay hơi cong. Lan hồ điệp rừng có rất nhiều màu sắc khác nhau như tím, trắng, vàng, đỏ, hồng, cam,..hoặc cũng có loài đốm/ sọc độc đáo. Nếu được chọn màu bạn hãy làm một chậu lan to nhiều màu xem sao, sẽ thật thú vị đấy!
Lan hồ điệp rừng không có hương thơm, hoa khá lâu tàn 2-6 tuần tùy vào điều kiện môi trường và độ lực của cây.
Hướng dẫn cách trồng lan hồ điệp rừng
Lan hồ điệp rừng trồng thì thôi rồi, dễ như ăn kẹo, vứt lăn lóc cũng sống. Tuy nhiên các bạn cũng nên trồng chúng một cách cẩn thận để còn mang ngắm nữa chứ sống không thì quá dễ dàng. Đối với cây hồ điệp rừng thì có 3 cách trồng phổ biến nhất, bạn có thể tham khảo đó là trồng trong chậu, trồng trên lũa hoặc ghép trên đá hòn non bộ.
Cách trồng lan tiểu hồ điệp rừng trong chậu
Đặc tính của lan hồ điệp là thích sống thành từng bụi lớn bám vào nhau, không thích thay đổi giá thể liên tục. Chính vì thế bạn cần chọn các loại giá thể bền, không dễ mục cho cây phát triển tốt nhất, chẳng hạn như: đá bọt, than củi, viên đất nung, dớn đá, lũa gỗ,…
Hồ điệp rừng đẻ con rất nhanh, vì vậy bạn nên chọn chậu trồng tương đối rộng rãi cho chúng để đỡ phải thay chậu. Phổ biến nhất các bạn nên trồng bằng chậu đất nung hoặc chậu sành, sứ. Có một đặc điểm là hồ điệp ưa ẩm, bộ rễ bám chặt giá thể nên không cần trồng vào chậu quá thưa lỗ thoát nước, chỉ cần chậu thoát nước nhanh chóng ở đáy chậu là được.
Sau khi chuẩn bị giá thể thì bạn hãy cho một miếng xốp nhỏ xuống đáy chậu, đổ giá thể to xuống dưới đến khoảng ⅔ chậu thì đặt cây lên và rải một lớp giá thể nhỏ lên đến gốc cây lan là được.
Trồng lan hồ điệp trên gỗ lũa, đá hòn non bộ
Các bạn cần dùng dây buộc cố định cây lan hồ điệp lại cho không lung lay, có thể sử dụng dớn chile giúp cây lan dễ bán hơn vào giá thể. Lưu ý nên dùng dây sợi hoặc lõi dây cáp điện thoại loại sợi đồng đơn bọc nhựa cho cây chắc chắn mà không gây ảnh hưởng đến bộ rễ. Sau đó tưới nước nhẹ nhưng phải chăm tưới hơn là trồng chậu vì cách trồng này tương đối khô.
Chăm sóc lan hồ điệp rừng như thế nào?
Chế độ chăm sóc hồ điệp rừng
Các bạn cứ chăm bón lan hồ điệp như các loài lan khác thôi, quá đơn giản. Hồ điệp rừng có thể chịu nắng cực tốt nhưng mới trồng thì nên treo dưới 1 lớp lưới đen, không cần tránh mưa nắng trực tiếp. Khi cây đã bám giá thể tốt thì bạn cứ treo ra ngoài cho chúng ăn sương gió.
Lan hồ điệp khá ưa ẩm, mỗi ngày tưới 1-2 lần là được.
Về chế độ phân bón, lan hồ điệp rừng không cần nhu cầu dinh dưỡng cao, chỉ một chút phân bón hữu cơ rải lên mặt chậu cây là được. Tôi thì hay dùng phân bò, trâu khô, phân dê hoặc phân trùn quế, vừa rẻ vừa đáp ứng đủ nhu cầu.
Lan hồ điệp có sức đề kháng cực tốt, chịu hạn, chịu nóng và chịu lạnh tốt. Do đó để phòng bệnh thì bạn có thể áp dụng chung với các loài lan khác trong vườn.
Cách làm lan hồ điệp rừng ra hoa cần đáp ứng đủ các điều kiện:
Có sự chênh lệch nhiệt độ cao giữa ngày và đêm; cây mọc thành bụi lớn, không nên tách lẻ từng cây; trồng lan hồ điệp ở độ cao thấp.
Thực tế thì tôi gặp tình trạng với các cây hồ điệp trồng 4-5 năm liền không có hoa nhưng cho người khác thì lại cho hoa luôn. Qua tìm hiểu thì có lẽ một phần nguyên nhân do chúng đẻ con quá nhiều, tôi hay tách lẻ nên chúng bị chột, cây không đủ sức để cho hoa. Hơn nữa tôi hay treo trên giàn cao, cây thiếu độ ẩm nên tương đối còi và lá chuyển màu tím. Sau đó tôi chuyển chúng vào một chậu to đặt trên mặt bể thì vài tháng sau chúng đã ra hoa. Vì thế nếu bạn đang tìm cách cho lan hồ điệp ra hoa có thể đặt chúng ở độ cao thấp xem sao nhé!
Trên đây là toàn bộ cách phân loại, trồng và chăm sóc lan hồ điệp rừng, một loài lan khá rẻ nhưng lại chơi hay đó chứ!
Xem thêm: