Nhắc đến linh tử lan, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một loài lan nhỏ xinh với những bông hoa trắng tươi mát độc đáo. Vậy cách nhận biết linh tử lan như thế nào, cách trồng có khó không? Cùng chăm lan khám phá ngay loài lan độc đáo này nhé!
Tên gọi, phân bố của linh tử lan
Tên gọi: Linh tử lan
Phân bố: Hiện nay chưa có nhiều tài liệu nói về loài lan độc đáo này, tuy nhiên các khu vực ở Việt Nam có thể thấy được chúng sinh sống là khu vực Kon Tum, Tây Nguyên.
Cách nhận biết linh tử lan thật dễ dàng
Linh tử lan là loài lan tương đối dễ nhận biết với những đặc điểm đặc trưng như sau:
Thân lá: loài lan đơn thân, thân lá chúng tương đối nhỏ. Lá chúng tương đối ngắn, chỉ khoảng 1-2 đốt ngón tay. Lá tương đối dày, mọng nước và tròn mập. Mặt trên của lá có một rãnh nhỏ, sậm màu dễ nhìn thấy.
Rễ cây linh tử lan: rễ tròn, mập sống bám vào các cành cây gỗ trong rừng.
Hoa linh tử lan: Hoa mọc từ các nách lá, các nụ hoa nhỏ, màu trắng và thường chỉ mọc từng bông một chứ không mọc thành từng chùm. Linh tử lan có 5 cánh hoa màu trắng, nhị màu vàng và tím nhìn rất đẹp và độc đáo. Hoa không thơm hoặc có mùi thơm nhẹ.
Cách trồng linh tử lan như thế nào?
Vì cây và hoa có kích thước tương đối nhỏ nên chúng phù hợp trồng vào gỗ, lũa để có thể phô bày hết được vẻ đẹp của nó. Không nên trồng linh tử lan vào chậu vì các bạn sẽ thấy toàn chậu với giá thể thôi ^^
Bước 1: Xử lý giá thể
Các bạn cần chuẩn bị gỗ, lũa và xử lý trước khi trồng cây. Cây lan tương đối nhỏ, rễ không lớn nên các bạn lưu ý kích thước gỗ phải phù hợp, không quá lớn nhìn sẽ mất cân đối.
Với gỗ trồng linh tử lan thì các bạn lưu ý phải bóc vỏ đi bởi lẽ trồng 1 thời gian sẽ rất dễ bong vỏ gây chột cây và chúng ta lại mất công ghép lại. Đối với gỗ vú sữa khó bong vỏ thì chúng ta có thể để nguyên và chỉ xử lý chống nấm bệnh là được.
Xem thêm: Cách xử lý gỗ trồng lan thế nào cho đúng?
Bước 2: Làm móc treo hoặc cố định giá thể
Thông thường chúng ta hay làm móc treo vào khúc gỗ hoặc lũa để treo lên giàn cho tiện lợi. Ngoài ra nhiều người dùng gỗ lũa, gắn cố định vào chậu để ghép cũng rất thẩm mỹ. Nói chung bạn phải cố định giá thể đã rồi làm gì thì làm.
Bước 3: Cố định cây vào giá thể
Bạn có thể sử dụng dây sợi quấn quanh gốc cây lan vào gỗ hoặc lũa cho cây bám chắc. Lưu ý quay ngọn cây hướng lên trên, gốc cây cần để hở, không bịt kín tránh gây thối rễ.
Bước 4: Treo lên giàn tránh mưa nắng trực tiếp
Treo ở vị trí thoáng gió, râm mát, tránh mưa nắng trực tiếp. Sau ghép một ngày thì bắt đầu tưới cho cây, mỗi ngày 2 lần sáng và tối. 3-4 ngày phun thuốc kích rễ hoặc nước vo gạo 1 lần cho cây nhanh bám vào giá thể.
Cách chăm sóc linh tử lan
Linh tử lan là loài lan nhỏ, ưa râm mát nên các bạn lưu ý vị trí treo cây để chúng phát triển thuận lợi nhất.
Chế độ nắng: Cây thích hợp với chế độ 20 – 30% nắng, dưới 2 lớp lưới đen là phù hợp hoặc bên dưới tán cây, trên hồ cá,… Tùy vị trí thích hợp của vườn nhà bạn.
Độ ẩm: Cây ưa ẩm, độ ẩm khoảng 60 – 80% là ổn. Với trồng gỗ lũa thì các bạn nên tưới 2 lần 1 ngày, sáng tối lúc trời mát, tưới ở dạng phun sương cho cây. Với trồng gỗ có thể giữ ẩm tốt thì 1 ngày tưới 1 lần.
Nhiệt độ: Cây ưa mát, nhiệt độ phù hợp từ 18 đến 25 độ C. Nhiều người trồng linh tử lan trên bể cá, hòn non bộ rất phù hợp mà thẩm mỹ cao.
Phân bón: cây có kích thước tương đối nhỏ, sống bám gỗ nên phù hợp nhất là bón phân qua lá dạng phun sương định kỳ mỗi tháng 1 lần và phun phòng nấm bệnh.
Linh tử lan sống rất mãnh liệt nên các bạn hoàn toàn có thể yên tâm trồng cây và tận hưởng thành quả của mình!
Xem thêm:
- Độc đáo loài lan chỉ có rễ và hoa: Lan ma
- Cách trồng lan trứng bướm