Lan Tóc Tiên rừng là loại lan độc đáo, xinh đẹp đúng như cái tên Tóc Tiên của nó vậy. Loài lan này thuộc phong lan mọc ở rừng núi, có hình dạng thân và lá rất độc đáo và khác biệt so với các loại lan khác nên được rất nhiều người ưa thích.
Tên gọi và nguồn gốc phong lan Tóc Tiên
Tên gọi: Lan tóc tiên có tên khoa học là Holcoglossum, ở Việt Nam được gọi với cái tên vô cùng độc đáo vào khác biệt là Phong Lan Tóc Tiên hay Lan Tóc Tiên Rừng.
Nguồn gốc: Lan Tóc Tiên thuộc chi Lan, nằm trong họ Orchidaceae có nguồn gốc từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á thường mọc trên thân cây có độ cao lên tới 1200 đến 1600m và cũng chính vì đặc điểm của môi trường sinh sống đã tạo nên hình dáng độc đáo của loài hoa này. Ở Việt Nam, loài lan này xuất hiện nhiều ở các vùng núi Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn…. Đặc biệt, Lan Tóc Tiên Điện Biên có một vẻ đẹp độc đáo mà được rất nhiều người săn đón.
Nhận biết lan Tóc Tiên
Lan Tóc Tiên rất đa dạng và phong phú, ở Việt Nam có 5 loại điển hình với hình dáng và màu sắc hoa khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu từng loài để chăm sóc thành công những chậu lan đẹp hút hồn nào!!!
Holcoglossum amesianum:
Loài lan tóc tiên này có thân cao 5cm, ít lá, chỉ từ 4 – 7 chiếc lá với độ dài từ 9 – 30cm, lá dẹp, dày 2 cạnh lá khép vào trong và tương đối dài. Xét về hình dáng thì dáng lá lan Holcoglossum amesianum có chút tương đồng với lá của loài lan Vanda, Vì thế Holcoglossum amesianum còn được gọi với cái tên khác là Vanda amesianum.
Loài lan này hoa có hương thơm nhẹ, thoang thoảng, đặc biệt chùm hoa tương đối dài, đây chính là đặc điểm nhận dạng của lan Holcoglossum amesianum. Chúng thường khoe sắc vào mùa thu hoặc đông và cho ra những chùm hoa rất đẹp với tông màu trắng tím, cánh hoa màu trắng muốt cùng lưỡi hoa màu tím làm nổi bật lên sự thanh tao, quyến rũ và cuốn hút. Holcoglossum amesianum mọc nhiều nhất tại Lâm Đồng, Đà Lạt hay các tỉnh Sơn La, Cao Bằng. Đây là loài hoa có khả năng tự thụ phấn chứ không cần phải nhờ đến sự thụ phấn của các loài côn trùng khác nên loài lan này dễ nhân giống và tương đối dễ chăm sóc.
Holcoglossum kimballianum:
Lan Holcoglossum kimballianum mọc chủ yếu ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, loài lan này có thân cao khoảng 5 – 10cm với những chiếc lá hình ống dài 15-20cm, hình tròn giống như chiếc đũa có phần đầu nhọn trông rất lạ mắt. Chùm hoa dài đua nhau khoe sắc khoăng 15-30cm, hoa dầy từ 10-20 hoa trên 1 cành, hoa tương đối to 3.5-5cm, màu tím. Hoa nở rộ và khoe sắc rực rỡ nhất vào mùa thu.
Holcoglossum lingulatum:
Với giống lan tóc tiên Holcoglossum lingulatum chúng mọc tập trung tại các tỉnh biên giới phía Bắc như Sapa, Lào Cai, Hoàng Liên Sơn… Loài lan này có kích thước khá nhỏ, thân mọc thẳng, thỉnh thoảng sẽ có một vài thân hơi cong và dài khoảng 20cm. Lá cũng thuộc loại lá hình ống. Vòi hoa thường dài bằng chiều dài của lá có khoảng 1-7 hoa, hoa to khoảng 2cm. Bông hoa màu trắng và có đốm ở lưỡi hoa có thể là màu tím hoặc nâu. Loại Tóc Tiên này còn được gọi là Tóc Tiên Bắc thường sẽ nở rộ vào mùa thu và kéo dài khá lâu.
Holcoglossum subulifolium:
Holcoglossum subulifoliun còn có tên gọi Việt Nam là Tóc Tiên Trung. Loài lan này có thân dài 10 – 20cm, buông thõng xuống. Lá có từ 3 – 5 chiếc, cũng thuộc dạng lá hình ống, dài khoảng 30 – 50cm. Vòi hoa dài 20 – 30cm mang theo 10-15 hoa màu trắng, trong họng hoa có màu nâu vàng, đường kính hoa rộng chừng 4 – 5cm, nở vào mùa xuân – hạ và tương đối bền, khi lại gần ta sẽ thấy một mùi hương nhẹ dịu và tương đối dễ chịu. Tóc Tiên Trung thường mọc nhiều ở các tỉnh như Nha Trang, Đà Lạt, Quảng Trị hay Kontum.
Holcoglossum wangii:
Loài lan này có thân dài 5 – 10cm, lá thuộc lá dạng ống tương đối ngắn và nhỏ hơn các loại Tóc Tiên trên chỉ khoảng 10-15cm. Vòi hoa dài khoảng 15 – 20cm, mỗi vòi hoa có khoảng từ 5-7 bông hoa, hoa màu trắng vàng với những điểm xuyết bằng đốm màu tím có hương thơm nhẹ dịu. Lan Holcoglossum wangii xuất hiện nhiều ở Ba Vì và Bắc Cạn, hoa nở vào mùa thu và độ bền của hoa khoảng 15 ngày nếu trong môi trường chăm sóc tốt.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc lan Tóc Tiên Rừng
Cách trồng Lan Tóc Tiên
Kỹ thuật trồng lan Tóc Tiên tương đối đơn giản vì loại lan này dễ sống và khỏe mạnh. Chúng ta chỉ cần ghép trong giỏ gỗ, dớn hay xỉ than hoặc buộc vào những mảnh vỏ cây như bình thường. Chú ý tưới nhiều nước cho lan nếu ghép vào vỏ cây để cây sinh trưởng và phát triển bình thường.
Chăm sóc lan Tóc Tiên Rừng
Nhiệt độ và ánh sáng: Điều kiện thích hợp nhất để lan tóc tiên có thể phát triển là 24 – 27 độ C (vào ban ngày) và 14 – 17 độ C (vào ban đêm), độ ẩm thích hợp khoảng 60-80%, nên thiết kế dàn phun sương để giữ ẩm liên tục cho cây. Là loại lan ưa bóng nên ánh sáng thích hợp cho loại lan này là khoảng 50-60% tốt nhất nên để cây dưới dàn có lưới đen hoặc xanh che phủ, có thể trồng thêm rêu, dương xỉ để tăng bóng âm và thẩm mỹ cho khu vườn của bạn.
Nước tưới: là loại lan ưa nước nên loại lan này cần rất nhiều nước, chính vì thế chúng ta nên tưới nước thường xuyên cho cây vào mùa hè khoảng 3 lần 1 ngày, vào mùa đông có thể giảm lượng nước tưới xuống còn 1 lần 1 ngày. Nên chú ý thông thoáng và thoát nước cho cây để cây đỡ bị ngập úng.
Bón phân: cũng như những loại lan khác, chúng ta cũng nên bón các loại phân hữu cơ hoặc phân NPK cho lan thường xuyên khoảng 2 lần 1 tháng để cây đủ chất dinh dưỡng để chống chọi sâu bệnh và phát triển cho cây và hoa.
Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên thăm nom và cắt bớt những lá bị sâu bệnh, nấm và thối rữa tránh cho bệnh lây sang cả vườn lan. Thường xuyên phun các loại thuốc chứa nano bạc kháng khuẩn, kháng nấm để bảo vệ lan khỏi các loại nấm, các bệnh gây thối lá, đốm lá,..
Để sở hữu một giò tóc tiên đẹp mỹ mãn cùng hương thơm lan tỏa không khó phải không nào. Những đặc điểm và sự đa dạng phong phú của Lan Tóc Tiên hứa hẹn sẽ không để bạn thất vọng khi rinh ngay em nó về vườn nhà mình.
Xem thêm:
- Kỹ thuật trồng và chăm sóc lan dendro chi tiết
- Độc đáo loài lan không có lá: lan căn diệp