Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Lan Thanh Đạm Tuyết Ngọc – Nhã nhặn kiêu sa, đầy cuốn hút

Lan Thanh Đạm Tuyết Ngọc – Nhã nhặn kiêu sa, đầy cuốn hút

Thanh Đạm Tuyết Ngọc, chắc hẳn sau khi nghe đến cái tên này ai ai cũng nghĩ tới một loài lan nhã nhặn và kiêu sa xen vào đó là chút gì đó mềm mại, thanh đạm, thư giãn. Thật vậy, loài lan này đẹp đúng như cái tên của nó mà khiến ai cũng phải đắm say nó ngay từ cái nhìn đầu tiên và muốn rinh ngay chậu lan này về nhà. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về loại lan này và cách chăm sóc chúng nhé.

Tìm hiểu tên gọi, nguồn gốc của lan thanh đạm

Hoa lan thanh đạm tuyết ngọc được nhiều người trồng trong vườn nhà

Hoa lan thanh đạm tuyết ngọc được nhiều người trồng trong vườn nhà

Tên gọi: loại lan này có tên khoa học là Coelogyne mooreana, tại Việt Nam được gọi với cái tên nhã nhặn là Thanh Đạm Tuyết Ngọc hay Phong Lan Thanh Đạm.

Nguồn gốc, xuất xứ: Lan Thanh Đạm là một loài cây thuộc nhóm thực vật đặc hữu tại Việt Nam, thường mọc ở những nơi có độ cao khoảng 1300m và mọc nhiều ở Đà Lạt, Quảng Trị và Nha Trang,.., phân bố chủ yếu ở khu vực miền Trung.

Cách nhận biết phong lan thanh đạm như thế nào?

Thân: Lan Thanh Đạm là loài lan sống phụ sinh, chúng mọc thành từng cụm với nhau, có củ cao 5-7cm gần như lan bầu rượu, hình trái xoan, thon đều ở chóp, có nhiều cạnh dọc quanh củ, các củ xếp sát nhau và mọc thành cụm.

Nhận biết lan thanh đạm qua thân lá khá dễ dàng

Nhận biết lan thanh đạm qua thân lá khá dễ dàng

Lá: Thanh Đạm có lá to và dài khoảng 15-25cm màu xanh đậm thon nhọn ở đỉnh và phần giữa phình to ra,lá mềm,  có cuống ngắn và có khoảng 5-7 gân ở gốc.

Rễ: Rễ Thanh Đạm thuộc loại rễ chùm, rễ nhỏ và ngắn có màu xám trắng, rễ loại cây thân củ này cũng giống Bầu Rượu hay Lan Luân.

Cận cảnh một bông hoa lan thanh đạm

Cận cảnh một bông hoa lan thanh đạm

Hoa Thanh Đạm: Lan Thanh Đạm có vòi hoa dài và mọc thẳng đứng, mỗi vòi hoa dài khoảng 20-25cm có từ 4-8 hoa. Đặc biệt hoa Lan Thanh Đạm rất to, lớn khoảng 2-4cm có màu trắng, bên trong nhụy màu cam và cánh môi chia 3 thùy có nhiều điểm đen và vệt vàng ở giữa, đặc biệt loài lan này có hương thơm nhẹ nhàng và rất dịu mát, chút gì đó ngọt như mùi hoa dành dành. Lan Thanh Đạm rất bền hoa, mỗi nhành hoa nếu không bị dính mưa thì độ bền được khoảng  4-6 tuần lễ, và lại nở hoa rất nhiều lần trong một năm.

Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc lan thanh đạm đơn giản tại vườn nhà

Kỹ thuật trồng lan Thanh Đạm

Cách trồng lan thanh đạm tuyết ngọc không quá khó

Cách trồng lan thanh đạm tuyết ngọc không quá khó

Giá thể trồng: Lan Thanh Đạm thường được trồng nhiều nhất vào chậu vì loại lan này có bộ rễ không ưa đụng chạm và cần có độ ẩm cao, nên trước hết chúng ta cần chuẩn bị chậu sạch, có thoáng nước. Giá thể trồng lan là đất xốp, xơ dừa, rêu hoặc rễ dương xỉ, ít than. Cá nhân tôi thường trồng lan thanh đạm bằng hỗn hợp giá thể bao gồm dớn cọng, vỏ thông và xơ dừa với tỷ lệ 30:60:10. Đây là hỗn hợp giá thể đảm bảo thông thoáng cho cây nhưng cũng giữ ẩm vừa phải, giá thể này khá bền và lý tưởng cho cây.

Cách trồng: Chúng ta chọn chậu có kích thước phù hợp cho cây, ở đáy chậu nên lót xốp và giá thể to và cao lên khoảng ⅓ chậu, tiếp đó đặt củ lan Thanh Đạm vào cố định chắc để giữ vững cho cây. sau đó cho tiếp thêm giá thể đã trộn trước đó vào đến khi kín hết rễ, chỉ để nổi củ lên. Cuối cùng cho một chút rêu hoặc dớn, xơ dừa xay lên bề mặt để giữ ẩm cho lan. Tưới nước cho độ ẩm vừa phải rồi theo dõi sự phát triển của cây lan.

Điều kiện để hoa lan thanh đạm phát triển tốt

Nhiệt độ và ánh sáng: Mùa hè, ban ngày nhiệt độ để lan chống chịu tốt là khoảng 24-27 độ C và vào ban đêm là 17 độ C vì vậy ban ngày chúng ta nên để Lan trong mái có lưới che và có phun sương càng tốt, nên để cây ở nơi thoáng gió để phù hợp cho cây quang hợp và phát triển.

Tưới nước: tưới nước là một yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển của hoa, đối với mùa hè chúng ta nên tưới khoảng 2 lần 1 ngày và mùa đông tưới khoảng 1 lần là đủ, lưu ý nên giữ cho chậu thông thoáng vào mùa mưa để tránh ngập nước và gây thối củ lan.

Chế độ bón phân cho lan thanh đạm: để lan sinh trưởng và phát triển tốt, loài phân hay dùng là phân hữu cơ hoai mục, phân NPK và những loại phân chậm tan. Tuy nhiên, lan Thanh Đạm thuộc loại lan không ưa muối nên không thích hợp trồng ở nơi đất nhiễm mặn và thường xuyên cần xả mặn cho đất.

Lan Thanh Đạm là loại lan không quá khó trồng, lại có sức sống bền bỉ, cho hoa đẹp và thơm, lâu tàn. Để sở hữu một chậu lan đẹp không quá khó phải không nào.

Xem thêm:

Loading...