Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Lan hỏa hoàng cam: nhận biết và cách trồng toàn tập

Lan hỏa hoàng cam: nhận biết và cách trồng toàn tập

Nếu có ai hỏi bạn thích trồng loài lan gì để bàn nhất, tôi sẽ không ngần ngại nói rằng đó là lan hỏa hoàng cam. Tại sao tôi lại nói như vậy? Nó không phải loài lan có giá trị cao, không phải hàng hiếm nhưng nó đẹp, độc đáo, rực rỡ và dễ trồng. Nhiêu đấy cũng đã đủ để chinh phục tôi rồi!

Nguồn gốc, phân bố và phân loại lan hỏa hoàng

Lan hỏa hoàng rực rỡ đáng để sưu tầm

Lan hỏa hoàng rực rỡ đáng để sưu tầm

Lan hỏa hoàng phân bố rộng rãi ở nhiều ở khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, chúng mọc nhiều ở những khu vực đồng bằng có độ cao trên 800m. Chúng còn hay mọc ở những khu rừng có lá rụng theo mùa như rừng Dầu ở Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh…

Lan hỏa hoàng thường tập trung trên một thân cây gỗ lớn, và có nhiều dòng khác nhau.

Tuy nhiên, lan hỏa hoàng có 2 giống lan phổ biến nhất, đó là: Ascocentrum miniatum Ascocentrum garayi.

Ascocentrum miniatum: Loài này các cánh hoa thường nhỏ, hẹp và dài. Giữa các cánh hoa thường có các khe hở dễ nhận biết. Loài này thường có màu sáng cho đến vàng. Lưỡi hoa có xu hướng cong vào bên trong.

Ascocentrum miniatum có các cánh hoa không tròn, tổng thể khuôn bông khá thưa

Ascocentrum miniatum có các cánh hoa không tròn, tổng thể khuôn bông khá thưa

Ascocentrum miniatum

Ascocentrum miniatum

Ascocentrum garayi: Đây là loài có cánh hoa tương đối tròn, do đó chùm bông nhìn khá to, không có các khoảng trống giữa các bông hoa. Màu sắc có xu hướng đậm, lưỡi hoa thường thẳng.

Ascocentrum garayi

Ascocentrum garayi có các cánh hoa to tròn, mở rộng, tổng thể khuôn bông khá to

Mặc dù vậy nhưng cách nhận biết lan hỏa hoàng khá đơn giản.

Bài viết này mình chỉ nhắc đến lan hỏa hoàng cam thôi, ngoài ra lan hỏa hoàng còn có cả hỏa hoàng đỏ và hỏa hoàng trắng, cách nhận biết thân lá và cách trồng chúng cũng tương tự nhau.

Cách nhận biết lan hỏa hoàng cam thật đơn giản

Hỏa hoàng là loài lan sống phụ sinh, thân ngắn, mập, gốc có nhiều vảy do lá rụng. Lá của chúng tương đối dày, cứng, xếp 2 dãy đều đặn trên thân. Phiến gấp theo gân giữa, đầu xẻ thùy nông. Cụm hoa dạng chùm đơn, mọc thẳng từ các nách lá ở đỉnh, dài trên 10cm.

Cách nhận biết lan hỏa hoàng cam tương đối đơn giản

Cách nhận biết lan hỏa hoàng cam tương đối đơn giản

Ngồng hoa mọc ở các nách lá, dựng đứng, cao khoảng 10cm, mang nhiều hoa xếp khít nhau. Hoa nhỏ 1,8 cm màu vàng cam với 3 lá đài và 2 cánh hoa gần bằng nhau. Môi hình lưỡi ở thùy giữa, 2 thùy bên nhỏ, đứng; túi cựa dài hình trụ hơi cong về phía trước và hơi dẹp 2 bên. Trong túi cựa không có phụ bộ gì cả. Trụ nhỏ với nắp nhụy đực màu đen nổi bật lên giữa màu vàng của hoa.

Cây thường cho hoa vào cuối xuân đầu hè ( Tháng 2-4 âm lịch). Hoa của chúng không thơm nhưng tương đối bền. Nếu chăm sóc tốt cây có thể bền hoa tới gần 1 tháng.

 

Nhiều người hay nhầm lẫn hỏa hoàng cam với cù lao minh, các bạn lưu ý lá cù lao minh khá mỏng không dày như hỏa hoàng cam. Kích thước thân lá của chúng cũng không bằng lan hỏa hoàng.

Hướng dẫn cách trồng lan hỏa hoàng đẹp, dễ phát triển nhất

Đây là loài lan ưa khí hậu nóng, vì thế thời điểm thích hợp nhất là tránh mùa đông của miền Bắc là được, còn lại bạn tha hồ sưu tầm để trồng nhé!

Đây là loài lan có sức sống cực kỳ mãnh liệt, dễ trồng dễ sống nên các bạn không phải lo, cứ làm theo các bước như dưới đây kiểu gì cũng được ngắm hoa của em nó.

Chuẩn bị giá thể trồng hỏa hoàng:

Đây là loài lan cực ghét thay giá thể, chính vì vậy bạn cần chọn các loại giá thể có độ bền cao, ít cũng phải 4-5 năm. Do đó nếu bạn trồng gỗ thì nên tìm gỗ lũa, gỗ lõi của những cây gỗ lâu năm, giá thể viên đất nung, than củi, đá bọt,… Và nhớ phải xử lý giá thể trước khi trồng cây nhé!

Xem thêm: Cách xử lý các loại giá thể trồng lan

Có 2 cách trồng lan hỏa hoàng phổ biến, đó là trồng chậu hoặc ghép gỗ lũa. Cách ghép thì cũng đơn giản như bao loài lan khác thôi. Tuy nhiên bạn để ý cây có kích thước không quá to nên chọn gỗ lũa vừa phải cho cây cân đối nhé!

Hỏa hoàng cam ghép lũa

Hỏa hoàng cam ghép lũa

Cá nhân tôi thì lại thích ghép vào chậu, vừa dễ trồng, dễ chăm, khi có hoa lại dễ trưng bày. Bạn có thể chọn loại chậu đất nung hoặc chậu gỗ cũng được, nhưng đừng có dùng chậu nhựa, dăm bữa lại phải thay là mệt lắm.

Xử lý giống cây

Lan hỏa hoàng tương đối khỏe, do đó bạn không cần xử lý cầu kì. Cứ cắt phần lá, rễ thối hỏng đi rồi bôi keo liền sẹo vào. Đợi khoảng vài tiếng cho khô thì ngâm vào chậu nước pha sẵn thuốc kích rễ trong khoảng 20p là được. Vớt ra cho khô là tiến hành ghép thôi

Cách trồng lan hỏa hoàng

Giá thể tôi hay dùng là than củi, viên đất nung và vỏ thông. Hỗn hợp này vừa đảm bảo bền, giữ ẩm tốt và giá rẻ. Giá thể to rải xuống dưới đáy chậu, cỡ nhỏ hơn thì rải lên mặt chậu.

Lan hỏa hoàng cam trồng chậu gỗ

Lan hỏa hoàng cam trồng chậu gỗ

Tôi thường dùng đũa cố định ngang miệng chậu, sau đó cố định cây vào và trải giá thể lên là được. Vừa đảm bảo cây không bị lung lay sẽ rất nhanh ra rễ. Tuy nhiên các bạn để ý không được vùi gốc của cây quá sâu nhé, thông thoáng tránh hiện tượng thối nhũn.

Thế thôi là xong, các bạn để chỗ râm mát thoáng gió rồi hôm sau hãy tưới cho nó nhé, tránh các vết thương hở dính nước sẽ dễ bị thối nhũn. Sau đó bạn đưa ra giàn dành cho cây mới ươm với chế độ ánh sáng 40% nhé, khi cây bám rễ ổn rồi thì các bạn cho lên giàn khoảng 60-70% ánh sáng là ok.

Cách chăm sóc lan hỏa hoàng cam

Chế độ ánh sáng:

Cây ưa ánh sáng mạnh, vì thế bạn có thể treo nó dưới 1 lớp lưới đen là ổn, khoảng 60-70% ánh sáng là ok. Tuy nhiên nếu mới bắt đầu ghép cây bạn nên trồng chúng ở những khu vực mát mẻ, nắng vừa phải

Độ ẩm phù hợp:

Cây ưa ẩm không khí cao nhưng giá thể lại không được quá ẩm ướt. Do vậy bạn cần chú ý độ ẩm cho cây phù hợp nhé. Với tôi mỗi ngày tưới 1 lần cho cây là ổn, mỗi lần tưới vừa đủ không cần tưới đẫm giá thể.

Chế độ phân bón cho cây:

Mình thì hay sử dụng phân bón hữu cơ là chủ yếu, kết hợp với chế độ nắng và độ ẩm phù hợp là cây mập ngay thôi. Loại này dễ chăm không phải nghĩ.

Tuy nhiên bạn có thể tham khảo thêm chế độ phân bón cho cây lan hỏa hoàng như sau:

NPK+TE: 20-20-20+TE cho cây từ sau khi hết hoa cho tới hơn 8 tháng sau đó. Phun 7-15 ngày 1 lần.

Tháng 1 âm lịch là thì chuyển từ 20-20-20+Te sang 6-30-30+Te hoặc 6-32-32+Te (loại này của Thái Lan) hoặc Siêu Lân 10-60-10+Te để kích thích quá trình phân hóa tạo mầm hoa. Phun 5-7 ngày 1 lần, phun khoảng 5-8 lần.

Khi cây lan nhú nụ thì phun phân vào rễ thôi, tránh nụ ra. Khi gần nở thì ngừng hẳn phân luôn. Phân nên phun sáng sớm hoặc chiều mát khi mà nhiệt độ trong ngày không quá 30 độ C.

Phòng trừ sâu bệnh

Lan hỏa hoàng thường bị rệp và nấm hại cây, bạn hãy theo dõi thường xuyên để xử lý cho kịp thời nhé!

Trên đây là toàn bộ bí kíp nhận biết lan hỏa hoàng và cách trồng cây. Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ!

Xem thêm:

Loading...