Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Lan dendro: phân loại, cách trồng và chăm sóc chi tiết nhất

Lan dendro: phân loại, cách trồng và chăm sóc chi tiết nhất

Một trong những loài lan vừa rẻ, vừa đẹp, dễ trồng, dễ chăm, hoa bền, nhiều màu không thể bỏ qua lan dendro. Sự đa dạng loài tạo nên một khu vườn dendro rực rỡ và cho hoa liên tục. Vậy cách trồng lan dendro như thế nào, kích thích lan dendro ra hoa theo đúng dịp như mong muốn ra sao, cùng chamlan tìm hiểu ngay nhé!

Đôi điều về loài lan dendro

Nhắc đến chi lan hoàng thảo, chúng ta sẽ nghĩ đến chi lan hoàng thảo ( dendrobium) với hơn 1200 loài.

Tuy nhiên, hôm nay chúng tôi muốn nhắc đến một loài lan cụ thể, đó chính là dòng lan dendro công nghiệp được lai tạo từ nhiều nguồn gen khác nhau cực kì đa dạng. Chúng ta hay gọi chung chúng là dendro bởi chúng có quá nhiều loại khác nhau mà không thể nhớ nổi hết được tên. Tuy nhiên, nhìn chung thì chúng có thể phân loại như sau:

Phân loại lan dendro gồm những loại nào?

Dendro mini

Phong lan dendro mini hay còn gọi là dendro lùn, là dòng lan có kích thước thân lá tương đối nhỏ, thân cây lùn, ngắn chỉ khoảng 1 gang tay. Điều đặc biệt của giống lan dendro mini này chính là cực kì nhiều ngồng hoa ( số hoa trên mỗi ngồng không quá nhiều), ra hoa liên tục quanh năm, hoa rất bền và sặc sỡ. Chính vì thế mà dendro mini là sự lựa chọn tuyệt vời cho các bạn muốn một chậu lan nhỏ xinh đặt trên bàn.

Dendro mini yaya cực kì sai hoa và dễ trồng

Dendro mini yaya cực kì sai hoa và dễ trồng

Các loài lan dendro mini phổ biến nhất hiện nay có thể kể đến dendro yaya, dendro mini tia chớp,…

Dendro màu

Phổ biến nhất hiện nay các bạn thấy các loài dendro được các cô chú bán hàng rong trên các con phố. Dendro màu có kích thước trung bình, cây cao khoảng 30cm, kích thước thân cây to chừng ngón tay. Dendro màu có nhiều màu sắc và khuôn bông khác nhau, cây không có nhiều ngồng hoa nhưng bù lại mỗi ngồng hoa lại rất sai hoa, hoa rất bền.

Phong lan Dendro Sonia cực kì phổ biến hiện nay

Phong lan Dendro Sonia cực kì phổ biến hiện nay

Lan dendro màu có nhiều loài khác nhau rất đa dạng từ trắng, tím, vàng, hồng,…và phổ biến nhất là loài dendro sonia. 

Dendro xuân

Dendro xuân ( Dendrobium nobile Yamamoto) là dòng lan ưa lạnh, nhiều ánh sáng. Dendro xuân thường cho hoa vào mùa xuân, rất nhiều màu sắc từ trắng, xanh, vàng, hồng, tím… Tại Việt Nam thì chủ yếu là xanh, hồng và tím. Cây cho hoa từ gốc lên đến ngọn, cây mọc thẳng đứng và rất sai hoa, cây cho hoa bền lên đến 1 tháng.

Phong lan dendro xuân thường cho hoa vào dịp tết rất đẹp

Phong lan dendro xuân thường cho hoa vào dịp tết rất đẹp

Thời gian gần đây dendro xuân rất được người chơi lan ưa chuộng để trang trí cho gia đình mỗi dịp tết Nguyên Đán.

Dendro nắng

Những năm gần đây, dòng lan dendro nắng được người chơi lan nhắc đến rất nhiều và cũng là dòng lan mang lại giá trị kinh tế cao. Dendro nắng có sức sống mãnh liệt, kích thước thân lá cao lớn vượt trội, có khi đạt đến 1 mét hoặc cao hơn nữa. Cây rất siêng hoa, chùm hoa sặc sợ màu sắc, cánh hoa độc đáo, sai bông và cực kì lâu tàn. Dendro nắng đúng như tên gọi, nó rất thích ăn nắng, càng nắng chúng lại càng sai hoa và rực rỡ hơn. Đa số các loài lan dendro đều không thơm, tuy nhiên dendro nắng lại có rất nhiều loại có hương thơm quyến rũ.

Dendro nắng cực kì rực rỡ và đa dạng

Dendro nắng cực kì rực rỡ và đa dạng

Một số cái tên dendro nắng phổ biến hiện nay có thể kể đến như: dendro nắng hổ mang, bà liễu, bà liễu xưa, banana, king hoocmon, thỏ hồng, king hổ mang, 4n, alba, robert,… 

Cách trồng phong lan dendro như thế nào cho đúng?

Giá thể

Dendro có bộ rễ chùm khoẻ mạnh bám chắc vào giá thể để hút chất dinh dưỡng cho cây. Với bộ rễ khoẻ mạnh như này thì việc lựa cho giá thể cho cây đơn giản hơn rất nhiều so với những loài lan khác.

Cách trồng lan dendro rất đơn giản không hề khó

Cách trồng lan dendro rất đơn giản không hề khó

Giá thể phù hợp đối với lan dendro thường là vỏ dừa miếng, than củi, dớn cọng, gỗ, vỏ thông,…và phù hợp nhất là trồng dendro trong các loại chậu: chậu nhựa, chậu đất nung hoặc chậu gỗ.

Với mỗi điều kiện nhà vườn, thời tiết mà bạn nên chọn giá thể cho phù hợp nhất. Chẳng hạn như đối với nhà vườn, kiểm soát nước tốt, yêu cầu giá thể dễ tìm, giá rẻ thì vỏ dừa, mùn dừa là giá thể tuyệt vời.

Với chúng ta trồng ở vườn nhà thì có thể dùng giá thể vỏ thông kết hợp với dớn cọng, than củi, mùn dừa theo tỷ lệ hợp lý.

Và các bạn nên nhớ cần xử lý giá thể trước khi trồng lan nhé!

Xem thêm:

Xử lý giống cây

Thông thường chúng ta trồng lan dendro có 2 kiểu giống cây: cây con mới ra chai và cây lan đã ra hoa của nhà vườn.

Đối với cây con mới ra chai được 1 thời gian thường được trồng trong các chậu nhỏ, các bạn có thể trồng luôn cây mà không cần trải qua công đoạn xử lý nào hết. Bởi lẽ cây lan này được chăm sóc kỹ, sức sống tốt nên trồng luôn được.

Đối với loại thứ 2, cây lan đã từng ra hoa ở vườn lan, được nhà vườn nhổ loại bỏ và bán theo gốc chỉ khoảng 10 – 15 nghìn/ gốc thì các bạn cần phải xử lý cây giống trước khi trồng. 

Đầu tiên các bạn cần xử lý cắt bỏ toàn bộ các phần rễ, lá dập, thối và bôi keo liền sẹo vào các vết cắt. sau khoảng vài giờ, vết cắt khô thì bạn tiến hành xử lý đồng thời nấm bệnh và thuốc kích rễ cho cây. Các phần giá thể, rễ lá hỏng các bạn cần mang đi tiêu huỷ tránh lây lan nguồn bệnh ra vườn lan nhà bạn. Sau khi xử lý nấm và kích rễ các bạn có thể tiến hành trồng cây.

Cách trồng lan dendro

Cách trồng lan dendro từng bước như sau:

Cách trồng lan dendro từng bước như sau:

Các bước tiến hành trồng lan dendro như sau:

Bước 1: Lắp móc treo vào chậu cây cho phù hợp, cân đối

Bước 2: Lót dưới đáy chậu 1 lớp xốp ( loại không thấm nước).

Mục đích của lót xốp là giúp chậu cây thông thoáng, thoát nước tốt, nhẹ hơn tránh nặng giàn, tiết kiệm giá thể hơn.

Bước 3: Lót một lớp giá thể đã chuẩn bị vào chậu cao khoảng 60%

Giá thể có thể là vỏ thông, dớn cọng hoặc xơ dừa miếng đã được xử lý hoặc bạn có thể trộn giá thể cũng đều được. Nếu bạn dùng than củi thì nên trộn chứ không nên sử dụng 100% giá thể than củi cho cây.

Bước 4: Đặt cây giống lên, cố định các cành vào móc treo cho phù hợp

Bước 5: rải một lớp giá thể nhỏ hơn lên sao cho ngang bằng với gốc cây lan.

Tuyệt đối không để giá thể lấp gốc cây lan sẽ làm chúng khó phát triển, thậm chí kín gốc sẽ chết cây. Đối với người mới chơi lan tôi khuyên các bạn nên để gốc cây cao hơn giá thể từ 2-3 mm để đảm bảo cây sống 100%.

Bước 6: Treo cây vào khu vực râm mát, nắng nhẹ, tránh mưa 2 tuần đầu.

Các bạn không nên tưới cây luôn, để ngày hôm sau rồi tưới đẫm cho cây, sau đó mỗi ngày tưới 1 lần, sau khoảng 7-10 ngày sẽ có dấu hiệu cây lan ra rễ. Khi cây đã bám rễ ấm chậu là các bạn có thể đưa chúng lên giàn và chăm sóc bình thường.

Kỹ thuật chăm sóc lan dendro

Chế độ nắng

Dendro là loại lan ưa nắng, chế độ nắng thích hợp ở khoảng 60-80%. Thậm chí đến khi cây trưởng thành và chuẩn bị ra hoa thì có thể ăn nắng 80-100% giúp cây ra hoa to, khoẻ hơn. Với Việt Nam chúng ta thì che chắn chúng dưới 1 lớp lưới đen mỏng là được. Lan dendro cần phải sống đủ nắng thì cây mới khỏe mạnh, mập mạp và chống chịu với các điều kiện khắc nghiệt của thời tiết.

Lan dendro rất ưa nắng và ẩm

Lan dendro rất ưa nắng và ẩm

Nhiệt độ

Lan dendro thích hợp với khí hậu nóng ẩm, nên nhiệt phù hợp từ 25-32 độ C. Cây không ưa khí hậu lạnh ( trừ dendro xuân). Chính vì thế về mùa đông các bạn nên để ý cây lan tránh hiện tượng sương muối và băng giá làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Độ ẩm

Dendro là loài lan cực kì ưa ẩm, độ ẩm trung bình khoảng 60-80%. Nếu không đảm bảo đủ độ ẩm thì cây sẽ kém phát triển. Nếu cung cấp quá nhiều nước mà không kiểm soát được rất dễ xảy ra tình trạng cây bị úng nước, và thối rễ.

Phân bón

Cây cần lượng nước lớn trong suốt quá trình phát triển. Từ khi cây con mọc đến khi cây trưởng thành cần nhiều đạm, do đó bạn có thể sử dụng phân bón 30-10-10 pha thật loãng và tưới định kỳ cho cây. Bạn cũng có thể sử dụng phân tan chậm hàm lượng đạm cao cho cây. Đến khoảng tháng 8, tháng 9, cây bắt đầu chững lại không phát triển nữa thì đổi sang phân bón 10-30-10 giúp cây cứng cáp khỏe mạnh. Đến cuối thu đầu đông thì ngừng phân bón là giảm dần chế độ nước tưới cho cây.

Phòng trừ sâu bệnh

Dendro hay bị côn trùng, sên, cuốn chiếu… cắn phá rễ cây trong giá thể, chính vì thế bạn cần theo dõi cây thường xuyên.

Ngoài ra cây cũng hay bị nấm và virut xâm nhập hại cây, vì thế phòng ngừa bệnh định kì hằng tháng là điều cần thiết.

Hướng dẫn kích thích lan dendro ra hoa hiệu quả

Cách làm lan dendro ra hoa rất dễ dàng:

Cách làm lan dendro ra hoa rất dễ dàng:

Có nhiều người hỏi chúng tôi cách làm lan dendro ra hoa vì trồng đến 2-3 năm rồi mà cây tốt tươi nhưng không thể ra hoa. Thực tế thì nếu như hiểu được đặc tính của nó chúng ta sẽ làm cho chúng ra hoa một cách dễ dàng. Những điều kiện cần để lan dendro ra hoa là:

  • Cây phải đủ tuổi, có nghĩa là có hành giả đủ tuổi ra hoa từ năm 1 trở lên. Một chậu lan dendro lý tưởng để ra hoa cần có ít nhất 3 hành giả: 1 thân trưởng thành năm 2, 1 thân tơ năm 1 và 1 thân non đang phát triển. Trong số đó thì thân năm 1 và năm 2 sẽ có khả năng cho hoa.
  • Cây phải hấp thu đủ nắng. Khi ăn đủ nắng nó mới phát triển toàn diện, không còi cọc thiếu chất, từ đó phân hoá mầm hoa dễ dàng hơn, cây mới cho ngồng hoa khoẻ, nhiều bông và hoa sặc sỡ.
  • Chế độ phân bón phù hợp. Chế độ phân bón quá nhiều đạm khiến cây sinh trưởng mạnh mà không phân hoá mầm hoa. Vì vậy, bạn có thể nâng hàm lượng photpho và kali lên giúp cây ra hoa dễ dàng hơn.
  • Độ ẩm chưa phù hợp. Nếu áp dụng các biện pháp trên nhưng cây chưa cho hoa thì bạn có thể nghĩ ngay đến phương án cắt nước của cây vài ngày liền kết hợp cùng với tăng cường độ nắng, sau 5-7 ngày không tưới bạn tưới đẫm trở lại thì cây có khả năng cho hoa cao. ( trong quá trình đó nếu cây héo bạn chỉ nên phun sương cho cây).

Trên đây là toàn bộ các kiến thức về trồng lan dendro cũng như cách kích thích lan dendro cho hoa một cách dễ dàng. Còn bạn đã gặp những khó khăn gì trong quá trình trồng lan dendro, hãy chia sẻ với chúng tôi nhé!

Xem thêm:

Loading...