Tôi gặp nhiều trường hợp dở khóc dở cười khi anh em chơi lan phát hiện cây lan mình chăm sóc bấy lâu nay mang tên “ ngô đồng ”. Chính vì thế hôm nay tôi sẽ giúp các bạn nhận biết lan bắp ngô và cách chăm sóc chúng như thế nào cho chúng nở hoa nhé. Bắt đầu thôi nào!
Tại sao anh em lại phải khóc? Đơn giản vì đây là loài lan gần như không có giá trị, rẻ như cho, xin rất dễ dàng, hoa của chúng khá nhỏ chứ không được đẹp như thân lá của nó. Và cái tai hại là chúng rất dễ bị nhầm với loài lan khác ( đuôi cáo hay đai châu) nên đa số người mới chơi lan rất dễ bị người bán lừa, đặc biệt là mấy ông bà bán lan rừng đi rong.
Mình nói vậy để anh em không bị nhầm trong quá trình chơi lan chứ không kì thị người bán lan rong đâu nhé, anh em cứ thích thì chơi thôi, mình cũng mấy lần mua được lan khá ưng từ mấy chị bán hàng rong đó chứ!
Một số thông tin về lan bắp ngô
Lan ngô đồng hay còn được gọi với cái tên lan bắp ngô, lan núi đá,…
Trên thế giới, lan bắp ngô có khoảng 13 loài, chúng phân bố trải dài từ Châu Á ( Việt Nam, Ấn Độ, Philippines, Malaysia,..) cho đến châu Phi nhiệt đới.
Tại Việt Nam, lan bắp ngô mọc chủ yếu trong rừng có độ cao trung bình, chúng sống bám trên những cây gỗ lớn hoặc từ các gốc cây. Chủ yếu ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng cho tới Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tại Việt Nam, chị lan bắp ngô có khoảng 4 loài và không có loài nào thích sống bám vào đá mà chủ yếu sống bám trên thân cây.
Nhận biết lan ngô đồng chuẩn xác
Lan bắp ngô sở hữu kích thước to lớn với sức sống mãnh liệt:
Lan ngô đồng thuộc loài lan đơn thân, cây bò thẳng vươn cao có thể dài đến 80cm, thân cây to tròn kích thước 2-1,5cm, khoảng chừng đốt ngón tay út.
Lá cây lan bắp ngô tương đối dày, bóng, màu xanh đậm, bản lá hơi lõm xuống hình chữ V, dài từ 17 đến 40cm. Các lá mọc 2 bên đối xứng nhau, thường mọc cách xa để hở thân. Nhìn từ xa lan bắp ngô cực giống với lan đuôi cáo. Tuy nhiên lan đuôi cáo thường bản lá mỏng hơn và các lá mọc xếp sít nhau.
Bắp ngô có cụm hoa chùm dài, chùm hoa có thể là chùm đơn hoặc nếu cây sung sức có thể phân nhánh. Cây tương đối sai hoa, tuy nhiên kích thước rất nhỏ, màu vàng hoặc có đốm nâu, hoa khá cứng, bóng và hơi thơm.
Cánh đài, cánh tràng giống nhau, thường cong lại. Cánh môi mảnh và nạc, có dạng túi nhỏ, 2 thùy bên hơi cách xa. Cột nhụy rất ngắn,dày. Khối phấn 2, hình cầu có phần chuôi hình dải,dài. Quả nang, thuôn dài và có cuống.
Lan bắp ngô thường cho hoa vào khoảng đầu mùa thu đến đầu mùa đông.
Ở Vân nam – Trung Quốc, rễ và lá cây lan ngô đồng được dùng trị đòn ngã tổn thương và gãy xương.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc lan bắp ngô huyền thoại
Đây là loài lan cực kì dễ sống trong tất cả các loài lan tôi từng trồng. Nếu lan bắp ngô mà bạn chưa trồng được chúng sống thì các bạn không nên mua thêm cây lan khác về để chăm, tội chúng lắm.
Bạn có thể dùng kỹ thuật trồng lan vanda để trồng lan bắp ngô. Tuy nhiên lan ngô đồng không quá ưa nắng như vanda.
Bạn có thể ghép lan ngô đồng vào chậu cây hoặc ghép vào thân cây sống hay khúc gỗ.
Nếu ghép vào thân cây sống bạn chỉ cần buộc cho chúng cố định thân cây, tưới mỗi ngày 1 lần đến khi chúng tự bám rễ là được.
Nếu bạn ghé vào chậu có thể cắm cọc rồi cho chúng bám lên như trồng lan vanda. Hoặc bạn có thể ghép vào chậu đất nung và đổ giá thể vào cho chúng là được.
Cây ưa ẩm vừa, ánh sáng 50% là ổn. Chế độ phân bón cây không cần quá nhiều, một chút phân hữu cơ như phân dê, phân bò khô là được.
Cây lan bắp ngô huyền thoại có sức sống mãnh liệt, ít bị nấm bệnh hại nên bạn hoàn toàn yên tâm, nếu cần bạn có thể phun phòng bệnh định kỳ mỗi tháng.
Trên đây là toàn bộ các nhận biết và trồng lan bắp ngô. Tuy nhiên đây là loài lan không có giá trị nhiều, bạn sưu tầm chơi chơi thì được chứ để mà nhân giống hàng loạt trồng để ngắm hoa thì không nên, hãy dành thời gian đó để chinh phục các loài lan khác nhé!
Xem thêm: