Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Tiết lộ bí quyết trồng và chăm sóc lan hồ điệp lớn như thổi

Tiết lộ bí quyết trồng và chăm sóc lan hồ điệp lớn như thổi

Hồ điệp là loài lan mà bất cứ ai chơi lan đều biết đến bởi nó cho hoa cực kì rực rỡ, lâu tàn thu hút lòng người. Trước đây chúng ta cứ nghĩ hồ điệp là loài lan có bông rất to, tuy nhiên đó là lan hồ điệp công nghiệp mà thôi. Hiện nay ở nước ta có rất nhiều loại lan hồ điệp rừng, mặc dù hoa nhỏ nhưng cũng rất dễ thương và đáng để trồng.

Dưới đây là cách nhận biết, cách trồng và chăm sóc lan hồ điệp dễ dàng mà bạn không thể bỏ qua:

Nguồn gốc của lan hồ điệp

Lan hồ điệp có tên khoa học là Phalaenopsis sp, với cành hoa to lớn, sặc sỡ và rất bền hoa. Năm 1750, Mr. Rumphius là người đầu tiên phát hiện ra loài hoa này. Và cho đến ngày nay, lan hồ điệp vô cùng phổ biến và có thể dễ dàng mua bán ở các chợ mua bán lan.

Loài lan hồ điệp có khoảng 70 loài trong đó có 44 chủng loại, mọc trải dài từ dãy Hymalaya đến châu Á có hơn 20 loài lan ưa nóng có ở các nước Đông Nam Á như bán đảo Malaysia, Indonesia, Philippine, Đông Ấn Độ, Việt Nam,…

Hồ điệp sống trong điều kiện thời tiết mát mẻ từ 20-30 độ C, ưa thích độ ẩm nhưng lại không thích ướt. Ngày nay, lan hồ điệp được nhân giống bằng cách nuôi cấy mô. Chính vì thế, lan hồ điệp ngày nay có rất nhiều loại và cho nhiều mặt hoa đa dạng.

Đặc điểm cây lan hồ điệp

Cách nhận biết lan hồ điệp

Cách nhận biết lan hồ điệp

Hồ điệp là loài lan đơn thân, sinh trưởng rất chậm chạm, một năm chỉ cho ra 2-3 cặp lá. Lá hồ điệp to, dày mọng nước, mọc đối xứng và ôm lấy thân. Từ các nách lá là nơi sẽ mọc ra những mầm hoa của cây khi đến mùa.

Hồ điệp là loại lan có rễ chùm, không có lông hút rõ ràng. Đầu rễ có màu xanh non hoặc nâu thẫm vươn ra bên ngoài hút nước. Lan hồ điệp ưa thích giá thể thông thoáng để rễ cây vươn ra ngoài hít thở không khí, chính vì thế nên trồng lan hồ điệp bằng chậu nhỏ cũng không là vấn đề.

Nhận biết lan hồ điệp qua mặt hoa

Lan hồ điệp mini (tiểu hồ điệp)

Nhận biết lan hồ điệp mini

Một cây hồ điệp mini đột biến lá biên

Lan hồ điệp mini là loại hồ điệp công nghiệp nhưng giống cây nhỏ, cho hoa nhỏ, cánh bầu, nhiều mặt hoa và cánh hoa thường có các vân. Đặc điểm nhận biết hồ điệp mini so với hồ điệp đại là lá hồ điệp mini bầu hơn chứ không nhọn ở đầu lá. Cần hoa hồ điệp mini ngắn hơn, bông nhỏ hơn. Đây cũng là lý do mà người ta đặt cho nó cái tên là hồ điệp mini.

Lan hồ điệp đại

Nhận biết lan hồ điệp đại

Nhận biết lan hồ điệp đại

Hoa lan hồ điệp đại có kích thước lớn và cần hoa dài

Hoa lan hồ điệp đại có kích thước lớn và cần hoa dài

Hồ điệp đại hay thường được mọi người gọi tắt là hồ điệp, đây là loại hồ điệp thường được mua bán vào mỗi dịp tết Nguyên đán với cành bông dài, cho hoa to, sặc sỡ và rất lâu tàn. Chính vì đặc điểm đó, nhiều người đem lòng say mê hồ điệp mà quên mất nhiều vẻ đẹp của những loài lan khác. Mặc dù cho hoa to, đẹp nhưng hồ điệp lại không có hương thơm như những loài lan rừng khác. Các bạn có thể tham khảo một số mặt hoa lan hồ điệp dưới đây:

Mặt hoa hồ điệp đại khá đẹp

Mặt hoa hồ điệp đại khá đẹp

Lan hồ điệp rừng và cách nhận biết lan hồ điệp rừng

Nhận biết lan hồ điệp rừng cực đơn giản

Nhận biết lan hồ điệp rừng cực đơn giản

Hồ điệp rừng loại lá nhỏ và lá to, khác nhau do vùng miền

Hồ điệp rừng loại lá nhỏ và lá to, khác nhau do vùng miền

Lan hồ điệp rừng trồng bằng dớn

Lan hồ điệp rừng trồng bằng dớn

Hồ điệp rừng cho hoa nhỏ nhắn, ngồng hoa dài nhưng rất bền

Hồ điệp rừng cho hoa nhỏ nhắn, ngồng hoa dài nhưng rất bền

Một cành hoa lan hồ điệp rừng đang nhú

Một cành hoa lan hồ điệp rừng đang nhú

Hồ điệp rừng là loài hồ điệp thuần chủng mọc hoang trong các khu rừng của Việt Nam. Đặc điểm nhận diện lan hồ điệp rừng là chúng có lá nhỏ hơn rất nhiều so với hồ điệp thường chúng ta gặp. Những vùng miền khác nhau có khí hậu khác nhau, chính điều này đã tác động đến hình thái của hồ điệp rừng rất nhiều. Hồ điệp rừng có loại lá nhỏ, dài và mỏng, cũng có loại lá to và dày.

Đặc biệt hồ điệp rừng có hoa nhỏ, cần hoa dài nhưng có nhiều màu và cho hoa rất bền từ 2 đến 3 tháng mới tàn. Nếu bạn sở hữu một chậu hồ điệp lớn và sung sức, rất có thể bạn được ngắm hoa của chúng quanh năm hết mầm hoa này đến hoa khác.

Cách trồng lan hồ điệp sau khi chơi tết [QUAN TRỌNG]

Hồ điệp sau khi chơi tết, cắt hoa càng sớm càng tốt 

Hồ điệp cho hoa với thời gian tàn rất lâu. Ở điều kiện lý tưởng, hoa hồ điệp có thể chơi trong 3 tháng. Chính vì thế, nếu bạn để lâu tàn, cây lan mất rất nhiều dưỡng chất để có thể nuôi được ngồng hoa.

Trồng lan hồ điệp sau khi chơi tết không phải ai cũng biết

Trồng lan hồ điệp sau khi chơi tết không phải ai cũng biết

Thay vì thế, chúng ta cắt ngồng hoa để cây lấy sức nuôi cây. Ai cũng muốn năm sau mình có một chậu hồ điệp thật to, thật đẹp để chưng bày tết phải không nào?

Có người nói rằng, cứ để như vậy mà bón thêm phân, vừa có thể giữ hoa lại chơi, vừa có thể cung cấp dưỡng chất cho cây, như vậy có được hay không?

Mình xin trả lời rằng, nếu để như vậy cũng không sao. Tuy nhiên, giá thể hiện tại của hồ điệp là dớn Chile, một loại giá thể với đặc tính nhẹ, xốp nhưng vô cùng ngấm nước. Nếu chúng ta không thể kiểm soát được độ ẩm của cây, hồ điệp rất dễ bị thối rễ, đặc biệt là khi bị di chuyển trong dịp tết. Nếu để chơi hoa thì bạn chỉ nên tưới phun sương giữ ẩm, tuyệt đối không tưới đẫm cho cây, và tránh tưới vào nụ làm teo nụ cây. Nếu bạn mua cây về đã có nụ mà muốn trồng cây cho các vụ sau thì có 2 lựa chọn:

  1. Để nguyên dớn chi lê, đặt nguyên chậu hồ điệp vào chậu để treo, trưng bày để chơi hoa. Bạn có thể lấy xốp hoặc xơ dừa chèn xung quanh bầu cố định cho cây. Chỉ tưới phun sương vừa đủ ẩm, tránh tưới vào hoa. Đợi hoa tàn 1/3 cây thì cắt bỏ ngồng hoa và tháo dớn ra trồng lại.
  2. Cắt bỏ ngồng hoa và tháo dớn trồng lại ngay. Cách này thì ít người thích vì mua về để ngắm hoa mà! Tuy nhiên nếu cây quá yếu bạn sẽ phải tính đến phương án này để giữ lại giống.

Thay giá thể cho lan hồ điệp

Sau khi cắt hoa, bạn dùng kéo tháo tung giá thể dớn hiện tại của cây, sau đó lấy kéo cắt toàn bộ những rễ dập nát, thối của cây. Bạn lưu ý nếu bộ rễ khỏe thì không nên để nguyên toàn bộ, sẽ cản trở quá trình ra rễ mới; cũng không cần cắt quá cụt, để lại mỗi rễ dài khoảng 2 đốt ngón tay là được. Nếu rễ hỏng toàn bộ thì bạn cần phải cắt hết để đảm bảo cây sạch nấm bệnh.

Chúng ta cần tháo dỡ dớn ở cây hồ điệp đã cũ

Chúng ta cần tháo dỡ dớn ở cây hồ điệp đã cũ

Lưu ý, sau khi cắt rễ hỏng, bạn cần tránh tuyệt đối sự tiếp xúc của cây và nước để tránh cây bị thối nhũn.

Treo lên chỗ thoáng gió, tránh nắng trực tiếp và đợi khoảng 4-5 tiếng cho vết cắt dần khô. Sau đó dùng một chút vôi ăn trầu hoặc keo liền sẹo hoặc sơn móng tay bôi vào những vết cắt cho cây liền sẹo, tiếp tục treo ngược cây tại nơi tránh mưa nắng nhưng nên có chút gió trong 1 ngày sau đó.

Khi các vết cắt khô, bạn có thể khử trùng bằng physan 20Sl hoặc Ridomil Gold nếu thấy cây có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc bộ rễ đã hỏng từ trước. Khâu xử lý nấm bệnh này bạn ngâm ngập cây khoảng 10-15 phút. Liều lượng chỉ để phòng nên 1/2 so với trên bao bì là ổn. Nếu liều lượng nặng dễ khiến cây bị sốc thuốc, kém phát triển sau này. Sau khi ngâm xong chúng ta lại treo lên cho khô.

Sau đó ngâm Vitamin B12 ( chống sống cho cây) hoặc Vitamin B1 (để kích rễ) cho cây nhanh phát triển trong khoảng 20 phút. Nếu cây không có dấu hiệu nhiễm bệnh, cây khỏe thì có thể trồng luôn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc sử dụng chế phẩm Hùng Nguyễn ngâm 1 lần 20 phút, vừa xử lý nấm bệnh, vừa kích rễ giúp chúng ta nhàn hơn rất nhiều.

Tiến hành trồng lan hồ điệp sau khi chơi tết

Chọn chậu cho lan hồ điệp

Hồ điệp là loại lan công nghiệp, rễ yếu, lá nặng nên người ta thường trồng vào chậu chứ không có nhiều người trồng bám trên thân gỗ. Với đặc tính bộ rễ ưa hô hấp, chậu dành cho lan hồ điệp nên thoáng, nhỏ thôi để rễ cây có thể vươn ra bên ngoài hô hấp. Đặc biệt, lan hồ điệp với chiếc chậu có kích thước nhỏ không vấn đề gì.

Do vậy, hồ điệp phù hợp với loại chậu nhựa ( loại chậu nhựa đen rất phổ biến) hoặc chậu đất nung ( loại nhỏ). Với bạn trồng chơi cho gia đình thì chậu đất nung là lựa chọn số 1, vừa bền vừa rất phù hợp cho sự phát triển.

Giá thể trồng lan hồ điệp 

Than củi thích hợp cho trồng lan hồ điệp nhưng cần phải xử lý

Than củi thích hợp cho trồng lan hồ điệp nhưng cần phải xử lý

Hồ điệp với đặc tính ưa ẩm nhưng không thích ướt, chính vì thế, bất kì giá thể nào thông thoáng nhưng cung cấp đủ độ ẩm cho cây đều được hết. Những người chơi hồ điệp lâu năm thường sử dụng gỗ nhãn, gỗ vú sữa, gỗ vải, than hoa, vỏ thông làm giá thể. Bởi những giá thể này không hề giữ lại quá nhiều nước cho cây.

Xem thêm: Cách xử lý than củi trồng lan

Gỗ nhãn, bạn nên cắt nhỏ thành những viên có kích thước bằng đầu ngón chân cái, than hoa cũng đập nhỏ như vậy. Bạn không nên dùng dớn vụn bởi rễ hồ điệp khá là to, không thể xuyên qua khe, đôi khi những cạnh sắc của dơn có thể làm tổn thương bộ rễ

Đổ giá thể ngập nửa chậu, sau đó đặt cây hồ điệp vào và đổ thêm giá thể lên trên.

Tôi chia sẻ thêm combo giá thể lý tưởng cho lan hồ điệp như sau, sắp xếp từ đáy chậu lên mặt chậu:

  1. Lớp dưới cùng là xốp: Vừa đỡ tốn giá thể, vừa thoát nước tốt, thoáng gió, nhẹ chậu
  2. Lớp ngói vụn ( nếu có) để giữ ẩm cho bộ rễ
  3. Than củi đập nhỏ trộn vỏ thông, viên đất nung( đây là lớp giá thể chính) cho cây bám vào. Nếu không có cả 3 thì bạn có nào dùng vậy. Vì thế bạn cần xử lý trước khi trồng.
  4. Trên cùng là lớp dớn mỏng giữ ẩm cho cây

Tất nhiên bạn có thể tùy chỉnh giá thể cho phù hợp. Cá nhân tôi dùng giá thể này cho hồ điệp là ổn nhất!

Lưu ý khi trồng hồ điệp sau khi chơi tết

Giá thể to cần cho xuống bên dưới, giá thể nhỏ cho bên trên. Điều này tránh giá thể nhỏ bị lọt, đồng thời giúp cây thoát nước hợp lý.

Cố định cây hồ điệp khi trồng

Cố định cây hồ điệp khi trồng

Cần cố định được cây để đảm bảo cây không bị lung lay khi gió thổi hay va chạm nhẹ, tránh được sự tổn thương khi cây ra rễ mới. Nhiều người trồng lan hồ điệp khá loay hoay trong việc cố định cây vì lá nó rất nặng, bộ rễ đôi khi bị cắt cụt nên bị đổ cổ. Bạn có thể dùng 1 thanh tre cắm trực tiếp vào miếng xốp dưới đáy chậu và cố định gốc cây vào đây. Tôi thường sử dụng đũa tre loại dùng 1 lần để cố định, rất nhanh và hiệu quả. Ngoài ra bạn có thể lấy dây đồng bọc nhựa để cố định gốc cây vào thành của chậu.

Cây ưa thoáng rễ, vì thế cần trồng cây cao ngang mặt chậu, không lấp giá thể ngập hoàn toàn bộ rễ. Bạn chỉ cần cho giá thể ngập 8/10 phần của bộ rễ là được. Gốc của cây luôn phải thật thoáng vì hồ điệp dễ bị thối nhũn, thối gốc thì vô phương cứu chữa.

Trồng lại lan hồ điệp sau chơi hoa

Và đây là thành quả trồng lại lan hồ điệp sau tết khoảng 2 tháng

Bạn lưu ý chậu phải thoáng, không cần chậu to vì hồ điệp thích chật trội. Chậu lan hồ điệp này tôi trồng 100% than củi. Tuy nhiên đến hiện tại tôi thấy giá thể phù hợp nhất với hồ điệp là hỗn hợp than củi, vỏ thông và một chút dớn trên mặt chậu để giữ ẩm.

Cách chăm sóc lan hồ điệp

Trong quá trình trồng cây, giá thể ngấm phân bón và muối khoáng nên bạn cần phải xả nước để xả mặn cho cây, khoảng 2-3 tháng 1 lần tưới thật đẫm.

Hồ điệp là loài lan chịu nắng kém, vì thế thích hợp treo ở vị trí nắng nhẹ ( khoảng 50% nắng) dưới 2 lớp lưới đen hoặc chỉ nắng 1/2 ngày, thích hợp nhất là nó ăn nắng từ sáng đến 10h trưa. Nhiều gia đình treo lan hồ điệp trong tán cây hoặc trước hiên nhà cũng phát triển khá tốt.

Lan hồ điệp rất dễ thối lá, thối rễ nếu mưa liên tục nhiều ngày, do vậy bạn nên tránh treo cây ngoài trời những ngày mưa dầm. Hạn chế tưới hồ điệp vào ban đêm vì nước đọng ở lá rất dễ thối; đồng thời treo cây nơi thoáng gió là phù hợp. Cây ưa ẩm nhưng không thích ướt, giữa 2 lần tưới nước bạn phải để nó có thời gian để khô. Do vậy tùy điều kiện thời tiết hoặc nhà vườn mà bạn có sự điều tiết nước phù hợp.

Lan hồ điệp không quá khắt khe với chế độ phân bón. Bạn có thể sử dụng phân bón hữu cơ, phân tan chậm để nó hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Kết luận

Trên đây chúng tôi đã chia sẻ về cách nhận biết, trồng và chăm sóc lan hồ điệp mang lại hiệu quả cao nhất, đồng thời hạn chế được nấm bệnh cho cây. Chúc các bạn có những chậu lan hồ điệp ưng ý nhất để chơi tết!

Xem thêm:

Loading...