Chi lan hoàng thảo luôn khiến người ta thấy nó thật đẹp, phong phú đa sắc màu. Và lan đơn cam chính là một trong những nàng công chúa rực rỡ khoe sắc mà không phải ai muốn cũng sở hữu được nó. Tại sao lại như vậy? Nhận biết và cách trồng lan hoàng thảo đơn cam có gì khó không? Hãy cùng chăm lan tìm hiểu ngay nhé!
Hoàng thảo đơn cam – dendrobium unicum
Tên khoa học: dendrobium unicum
Phân bố: Lan hoàng thảo đơn cam xuất hiện ở nhiều nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Việt Nam, Indonesia, Malaysia…
Tại Việt Nam., lan đơn cam mọc ở các tỉnh có khí hậu mát mẻ như Tây Nguyên, Kon Tum, Gia Lai,…
Hoàng thảo đơn cam có thân khi còn non màu xanh, khi lớn lên dần chuyển sang màu xanh đen, xanh sậm. Khi về già và rụng lá thân có thể chuyển sang màu tím tùy thuộc vào chế độ ánh nắng nơi nó sinh sống.
Đơn cam có thân dài chừng 10-15cm, mỗi thân có từ 3-5 lá. Lá của chúng thuôn hẹp, dài 5 – 6 cm, rộng 0,7 – 1 cm.
Hoàng thảo đơn cam cũng là dòng lan rụng lá vào mùa khô nên đến mùa thu lá và rụng dần, mùa đông cây trơ trụi chỉ còn lại thân.
Dendrobium unicum cho hoa từ tháng 2 đến tháng 5 dương lịch. Từ các đốt ở thân, sẽ mọc lên từng chùm hoa, mỗi chùm có từ 1 đến 4 bông. Hoa dài, bóng bẩy, bề rộng đầy đặn. Khi hoa lan đơn cam nở bung cong ngược ra sau đặc trưng, hoa to 4-5 cm. Đơn cam cánh hoa sáp, đài hoa màu đỏ cam với một môi màu cam nhạt được đánh dấu với các tĩnh mạch tối màu da cam.
Những bông hoa lan đơn cam có hương thơm và có một mùi hương tương tự như bút chì màu sáp của trẻ em.
Bạn có thể chiêm ngưỡng những bông hoa phong lan đơn cam ngay tại đây:
Cách trồng lan đơn cam
Lan đơn cam khá khó tính và kén vùng nên không phải ai cũng có duyên trồng được nó. Đây là loài lan ưa ẩm, mát và thích nắng, gió. Nghe đến đây bạn đã thấy khoai chưa ^^
Giá thể trồng đơn cam
Lan đơn cam có thể trồng chậu và ghép gỗ, lũa đều được hết.
Nếu trồng chậu bạn có thể sử dụng giá thể đất nung, đá bọt, vỏ thông, dớn vụn, thêm một chút dớn chile hoặc xơ dừa vụn cho cây giữ ẩm tốt hơn. ( Cây ưa ẩm nhưng không ướt nên giá thể phải dễ thoát được nước). Giá thể lý tưởng nhiều người dùng đó chính là đá bọt kết hợp với vỏ thông vụn. Bạn hãy thử loại này xem sao!
Nếu trồng gỗ, lũa bạn cần xử lý bóc hết vỏ và xử lý giá thể trước.
Cách xử lý giống
Cũng như các loài lan hoàng thảo khác, khi mua về bạn cũng cắt tỉa gọn gàng, ngâm thuốc sát khuẩn và kích rễ, treo lên đến khi khô rồi ghép. Bạn có thể dùng riêng từng loại thuốc sát khuẩn nấm bệnh ( physan) và kích rễ ( Vitamin B1) hoặc dùng riêng 1 loại chế phẩm Hùng Nguyễn. Cá nhân tôi chơi Hùng Nguyễn cho nhanh, ngâm 1 lần 15p rồi vớt ra là ổn. Lan đơn cam tương đối nhạy cảm với phân thuốc. Chính vì thế nếu bạn mua được hàng nguyên bản thì tốt nhất, dùng Hùng Nguyễn thật loãng là ok.
Ghép lan đơn cam
Bạn tiến hành ghép lan tương tự các loài lan khác, cố định gốc thật chặt, để thoáng, hở gốc. Sử dụng dây thít nhựa để đảm bảo gốc cây được chặt và đảm bảo thẩm mỹ nhất.
Phong lan đơn cam chăm sóc như thế nào?
Nhiệt độ trồng lan đơn cam
Cây ưa mát và chịu lạnh tốt, không chịu được nóng. Do vậy bạn cần cân nhắc loại này phải để chỗ mát nhất hoặc bố trí bên dưới giàn lan là chậu nước hoặc bể nước giúp nó hạ nhiệt ở môi trường bên ngoài.
Vào mùa hè, cần có nhiệt độ cách biệt giữa ngày và đêm từ 7-11 độ C. Nhiệt độ trung bình 26-32 độ C vào ban ngày, 18-21 độ C vào ban đêm. Mùa đông, ban đêm dưới 10 độ thì cây mới có thể ra hoa. Đó cũng chính là lý do cây mọc chủ yếu ở các khu rừng có khí hậu mát mẻ.
Điểm cộng của loài lan này là chịu lạnh khá tốt, thậm chí khi có băng tuyết từ 0 đến 5 độ C. Tuy nhiên không nên cho chúng chịu lạnh quá lâu
Độ ẩm
Hoàng thảo đơn cam ưa ẩm khoảng 60 đến 80%. Do vậy bạn để ý tiểu khí hậu cùng với giá thể của cây. Giữa các lần tưới cho cây bạn lưu ý phải để gốc nó khô thoáng. Lưu ý tránh tưới nước vào ngọn cây. Thay vào đó hãy sử dụng chế độ phun sương vào giá thể cho cây đáp ứng độ ẩm.
Khi cây con mọc lá non thì cây cần độ ẩm cao, cây trưởng thành thì tưới ít lại. Nhưng bạn luôn nhớ loại này phải thoáng gốc, rễ bên dưới đủ ẩm là được. Thông thường các nhà vườn hay áp dụng chế độ nước tưới 1 ngày/ lần vào mùa hè và 2 ngày/lần vào mùa đông.
Ánh sáng
Cây ưa ánh sáng cao để tổng hợp các chất dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên các bạn nhớ nó không chịu được nhiệt độ cao nên cần có biện pháp hạ nhiệt tốt. Bạn có thể chỉ cho cây ăn nắng 3-4 tiếng buổi sáng là đủ. Nếu không đủ ánh sáng cây sẽ không cho hoa và phát triển rất èo uột.
Chế độ gió
Loại này thích thoáng gió, nói chung là thích độ cao, thích ngắm trăng, ngắm biển nên chúng ta treo cao một chút, đáp ứng độ ẩm không khí bằng cách phun sương là ổn. Lan đơn cam treo thấp hoặc nơi bí bách sẽ rất khó sống.
Chế độ phân bón cho lan đơn cam
Chỉ bón phân cho cây khi cây con phát triển mạnh, thời gian thường là từ mùa xuân cho đến mùa hè. Lưu ý tưới cây trước khi bón phân, không bón phân khi cây quá khô. Bạn có thể bón trên lá nhưng tuyệt đối tránh những mầm cây non mới nhú. Khi tất cả mầm non cao khoảng 2-3 đốt ngón tay là thời điểm lý tưởng.
Bạn có thể sử dụng phân 30-10-10 vào mùa xuân và mùa hè. Đổi sang 10-30-20 vào mùa thu. Sau đó nếu cây có biểu hiện thắt ngọn, lá dần chuyển màu vàng thì dừng hẳn chế độ phân bón.
Phòng bệnh cho cây
Những loại lan khó thuần thì quan trọng vẫn là phòng bệnh chứ chữa thì khoai lắm. Bạn hãy sử dụng bộ đôi phòng ngừa vi khuẩn và nấm bệnh cho cây định kì cùng với các loại lan khác trong vườn.
Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm trồng lan đơn cam được đúc kết trong quá trình trồng lan thực tế. Chúc các bạn sở hữu được loài lan đỏng đảnh này nhé, màu sắc rực rỡ rất đáng để chơi!
Xem thêm: