Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Bí quyết chăm sóc lan mùa mưa, mùa nóng và mùa nghỉ khoa học

Bí quyết chăm sóc lan mùa mưa, mùa nóng và mùa nghỉ khoa học

Dấu hiệu của dòng lan thân thòng trong mùa nghỉ chính là trụi lá

Cách chăm sóc cây lan thế nào cho phù hợp với người mới chơi lan quả thật khá khó khăn. Với mỗi mùa, thời tiết lại thay đổi khác nhau nên chế độ chăm sóc cây cũng rất khác nhau. Dưới đây là một số mẹ giúp bạn trồng lan xanh tốt hiệu quả hơn ở mùa mưa, mùa nắng hè hay cả ở mùa nghỉ! Bài viết khá dài, bạn hãy sử dụng mục lục để thuận tiện theo dõi.

Hướng dẫn cách chăm sóc phong lan sau tết

Lan đơn thân

Điển hình là dòng phong lan đai châu, khi hoa tàn 2/3 chúng ta cần phải cắt ngay ngồng hoa đi để cây không bị mất quá nhiều chất dinh dưỡng lãng phí.

Nhiều người vì muốn ngắm hoa mà để cố cho chúng nở hết rồi tự tàn, tự héo. Với cây lan sung sức thì có lẽ không có ảnh hưởng quá lớn nhưng với những cây lan mới ghép thì để hoa là điều không nên. Dòng đơn thân tích chất dinh dưỡng chủ yếu ở lá, và khi cây mới trồng thì rễ chưa hoạt động để có thể hút chất dinh dưỡng cho cây, và toàn bộ dinh dưỡng cho hoa sẽ tút từ lá. Nếu mới ghép mà bạn để hoa thì cây lan sẽ bị héo tóp, nhìn rất èo ọt và khó phát triển.

Cách chăm sóc cây lan sau tết

Cách chăm sóc cây lan sau tết

Nếu tò mò mặt hoa thì bạn chỉ nên để lại 2-3 nụ hoa cho nở, còn lại cắt hết cho chúng giữ chất dinh dưỡng lại trên thân. Sau khi hoa nở thì bạn cắt luôn ngồng hoa đi cho cây bắt đầu chu kì sinh trưởng mới. Và nếu cẩn thận hơn, sau khi cắt ngồng hoa thì bạn có thể bôi keo liền sẹo vào vết hở để chống thối nhũn xâm nhập.

Sau đó bạn thực hiện chế độ chăm sóc cây lan theo chu kì sinh trưởng, và việc đầu tiên chính là phát triển bộ rễ. Bộ rễ to, khỏe, nhiều nhánh thì khả năng hấp thu nước và dưỡng chất mới tốt được. Với lan đơn thân thì không cần bạn quá cầu kì để chăm sóc bộ rễ của chúng. Đơn giản nhất, bạn có thể tận dụng nước vo gạo trong gia đình để tưới cây, có thể sử dụng men nở tươi, vitamin B1 hay chế phẩm Hùng Nguyễn đều rất ok.

Khi bộ rễ đã phát triển mạnh, nếu thấy cây mềm yếu, phát triển èo uột thì bổ sung thêm phân bón tăng hàm lượng kali và lân, chẳng hạn như NPK 20 – 20 – 20 hay 15 – 30 – 15 hay 6 – 30 – 30 để phun tăng cường cho cây cứng cáp lại. Nếu cây lan phát triển đều thì bạn có thể dùng phân hữu cơ, phân cá, phân dơi,… cho cây phát triển một cách toàn diện.

Lưu ý: các bạn nhớ đưa cây ra ngoài trời thoáng mát và có nắng sáng để cây quang hợp một cách tốt nhất. Cần hạn chế nước mưa liên tục, đặc biệt là mưa xuân ở miền Bắc. Nếu có mái che là tuyệt vời nhất.

Dòng lan hoàng thảo

Đối với dòng lan hoàng thảo, bạn có thể để nguyên hoa để ngắm, kể cả cây vừa mới ghép. Lan hoàng thảo thường thì sau khi ra hoa thì chất dinh dưỡng đó chỉ để thế hệ sau hút chất dinh dưỡng. Do vậy mà nhiều khi hàng rừng về bạn chỉ việc ghép là đã có thể ngắm hoa dễ dàng mà không sợ kiệt sức của cây. Trường hợp cây quá yếu thì bạn mới nên cắt bỏ hoa, còn không cứ để chơi. Tuy nhiên bạn cũng không nên để hoa tự tàn mà khi thấy dấu hiệu héo, bạn tiến hành cắt tỉa hết hoa và tiến hành chăm sóc như bình thường.

Với lan hoàng thảo, bạn có thể chơi ngay hoa kể cả khi mới ghép

Với lan hoàng thảo, bạn có thể chơi ngay hoa kể cả khi mới ghép

Nếu giò lan thuần bạn cần xem xét xem có cần thiết phải thay giá thể không, sau đó treo cây lan ra chỗ thoáng mát và chăm sóc bình thường. Dòng lan hoàng thảo này các bạn cần chú ý đến giá thể, bệnh thối nhũn, nấm lá là ổn. Bổ sung phân bón tổng hợp cho cây phát triển toàn diện , đồng thời theo dõi cây phát triển để có thể điều chỉnh cho phù hợp nhất.

Địa lan

Một số dòng địa lan, bạn cần phải ngắt hoa khi hoa đã có dấu hiệu tàn 2/3 bông. Mỗi loại địa lan phù hợp với cách chăm sóc khác nhau nên bạn có thể tìm hiểu thêm. Thông thường bạn sẽ cần chuẩn bị giá thể mới để sang chậu cho cây tiếp tục phát triển. Dòng địa lan bạn có thể sử dụng men nở tươi để tưới cho cây phát triển tốt nhất.

Địa lan Sato - một loại địa lan rất được ưa chuộng mỗi dịp tết đến xuân về

Địa lan Sato – một loại địa lan rất được ưa chuộng mỗi dịp tết đến

Riêng dòng lan hồ điệp

Dòng lan hồ điệp là loại lan được chơi tết phổ biến nhất trên thị trường hiện nay. Hồ điệp khá lâu tàn, có thể chơi tết đến 3 tháng. Do đó có nhiều nhà cứ để vậy chơi. Nếu các bạn muốn trồng hồ điệp để năm sau lại có hoa ngắm thì cần phải cắt ngay ngồng hoa khi hoa tàn 1/3. Vốn dĩ hoa tàn 1/3 lúc này cũng đã là rằm tháng giêng r, cắt sớm cho cây khỏe. Sau đó tiến hành gỡ hết dớn trắng của cây, cắt tỉa rễ chết, rễ thối. Sau đó bôi keo liền sẹo và để khô 1 ngày không tưới nước, treo chỗ thoáng.

Lan hồ điệp được nhiều người ưa chuộng trong dịp tết

Lan hồ điệp được nhiều người ưa chuộng trong dịp tết

Ngày hôm sau chúng ta tiến hành trồng lại cây:

Buộc cây cố định không cho lay gốc

Chậu trồng nhỏ, không cần quá to, chậu gỗ cũng được, đất nung cũng được, chậu nhựa cũng được.

Giá thể than củi, gỗ cắt từng khúc nhỏ hoặc vỏ thông. Kích thước giá thể khoảng đầu ngón chân cái là ổn. Bên trên cùng bạn lót 1 lớp rêu ( dớn mỏng) cho cây giữ nước tốt nhất. Tuy nhiên đừng nhiều quá cây dễ bị úng nước và thối nhũn.

Sau khi trồng xong bạn treo chỗ thoáng mát, tránh mưa trực tiếp và không tưới luôn. Sau 2 ngày bạn tưới phun sương cho cây. Sau 3 ngày có thể sử dụng thuốc khích rễ, tăng trưởng cho cây.

Khi cây đã bám rễ và khỏe bạn cho cây ra giàn và nhớ loại này không chịu được nắng gắt, chỉ chịu được ánh sáng 50-60% và thời gian chiếu sáng 1 buổi sáng hoặc chiều ( tốt nhất là buổi sáng).

Chăm sóc cây lan mùa mưa như thế nào?

Mùa mưa đến cũng là mùa phát triển của hầu hết tất cả các loại lan. Đây cũng là mùa mà giới chơi lan mong chờ nhất để ngắm nhìn những mầm non, những chồi hoa khoe sắc. Tuy nhiên, thời tiết ấm lên cũng là cơ hội để nhiều loại nấm bệnh, sâu bệnh tàn phá. Để đạt được hiệu quả cao, những chậu lan vào mùa mưa này cần chú ý những vấn đề gì?

Phòng trừ nấm bệnh cho lan vào mùa mưa

Tốc độ lây lan của nấm thật khủng khiếp, chỉ một phút lơ là không để ý đến chậu lan bạn sẽ phải nhận trái đắng. Một khi chậu lan bị nấm, nó chỉ cần 2-3 ngày là có thể xảy ra thiệt hại nặng nề, thậm chí có thể vứt bỏ. Tuy nhiên, nếu bạn là người tinh mắt và chơi lan lâu năm thì nấm rất dễ phòng và điều trị trong giai đoạn mới chớm.

Chăm sóc vườn lan mùa mưa khá vất vả

Chăm sóc vườn lan mùa mưa khá vất vả

Để phòng trừ nấm bệnh, cách tốt nhất và hiệu quả cao đó là sử dụng nấm đối kháng trichoderma cho giàn lan. Đây là chủng nấm có thể tiêu diệt tất cả các loại nấm bệnh khác. Đồng thời nó cộng sinh với rễ cây, giúp cây lan khỏe hơn, hút dinh dưỡng tốt hơn.

Bệnh thối nhũn

Thối nhũn do vi khuẩn gây ra. Đây cũng là căn bệnh có thể nói là sức tàn phá khủng khiếp nhất trong giới chơi lan, thậm chí nhà vườn vẫn bị chứ chưa nói đến những người chơi lan cho vui. Bệnh thối nhũn đối với cây lan xảy ra một cách thường xuyên và do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Xem lại giá thể, gốc cây lan xem có đủ thông thoáng, thoát nước tốt hay chưa. Giá thể có đảm bảo cho cây lan bám vào để phát triển hay chưa hay đã mục rỗng, tạo điều kiện cho nấm bệnh và các sinh vật có hại phát triển.

Nếu phát hiện thối nhũn, bạn cần phải cứu chữa càng sớm càng tốt để giảm tối đa thiệt hại cây lan.

Bạt che chắn mưa bão

Mùa mưa đi kèm với gió bão và cả nắng to. Đối với miền Bắc, mùa hè nắng rát có thể lên tới 36 – 37 độ, thậm chí nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 40 độ. Nếu không có bạt che chắn bớt nắng thì giàn lan của bạn có thể bị cháy nắng, thậm chí có thể bị nướng chín luôn.

Mùa mưa, mưa rào to, mưa đá, thậm chí nước mưa đổ rất rát vào mặt chứ đừng nói là cây lan. Nếu không có bạt che chắn thì giò lan rất dễ bị dập, nát, gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Gió to, bão giật đòi hỏi giàn lan phải thật chắc chắn. Bạt che chắn phải buộc vào khung chứ không chỉ buộc 4 đầu là được. Thường thì bão to có thể thổi bay mấy tấm bạt của bạn đi một cách dễ dàng hoặc giật rách nó. Gió bão thường tạt mọi phía nên bạn hãy che chắn cẩn thận hoặc di dời giò lan nếu bạn có số lượng không quá lớn.

Sên, ốc tàn phá

Không chỉ là mùa mưa miền Bắc, những ngày đầu xuân đến nay có rất nhiều người chơi lan than phiền vì hiện tượng sên cắn rễ, ốc ăn mầm,… Bạn hãy sử dụng phương pháp bắt thủ công ( nếu chơi nhỏ) hoặc sử dụng mồi diệt ốc cho nhà vườn để đạt hiệu quả cao, đỡ tốn công sức.

Chế độ phân bón

Mùa mưa là mùa cây lan phát triển nhất trong năm. Do đó bạn cũng cần để ý đến chế độ phân bón của cây. Mùa này cần bổ sung phân bón cho cây nhưng lưu ý vừa đủ thôi, đừng cố nhồi nhét mà cây bị ngộ độc là toi đấy. Thường thì phân bón mùa xuân hè là loại phân nhiều đạm thời kì cây phá triển, mùa hè thu chuyển sang phân bón nhiều Nitow và phốt pho dưỡng cây tốt để chuẩn bị cho mùa hoa sắp tới.

Mình hay dùng hữu cơ ủ nấm trichoderma cho cây rất tốt, bổ sung một chút phân tan chậm là được mà không cần cầu kỳ nhiều. Quan trọng hãy để ý chậu lan thường xuyên để có phương án chăm sóc kịp thời.

Cẩn thận rắn rết

Một loại rắn độc được phát hiện trong vườn lan

Một loại rắn độc được phát hiện trong vườn lan

Mùa mưa bão, nóng ẩm là điều kiện cho rắn rết kiếm ăn và sinh sôi, phát triển. Vườn lan mát mẻ là môi trường lý tưởng cho rắn trú ngụ. Chính vì thế nếu bạn có chăm lan hoặc ngắm lan vào ban đêm cần đề phòng rắn rết cắn. Rất nhiều người khi soi đèn đã thấy những con rắn nắm vắt vẻo trên giò lan. Nói đến rắn thì rắn nước đã giật mình rồi chứ rắn độc mà cắn thì sơ cứu và lên viện luôn chứ còn chần chừ gì nữa.

Không rắn thì trăn, không độc nhưng cũng khá nguy hiểm nếu người chăm lan đang trèo cao mà giật mình

Không rắn thì trăn, không độc nhưng cũng khá nguy hiểm nếu người chăm lan đang trèo cao mà giật mình

Vấn nạn lan tặc

Vấn nạn lan tặc không ngừng

Vấn nạn lan tặc không ngừng

Vấn đề nhức nhối mà chẳng bao giờ có hồi kết. Cứ vài ngày lại có người đăng lên mất lan nghe mà buồn. Nuôi vài con chó xích lại cho nó trông nhà đi các bác, lắp thêm cái camera để trông nhà khi đi vắng sẽ giảm bớt tình trạng mất lan.

Thậm chí cắt lưới trộm lan

Thậm chí cắt lưới trộm lan

Haizz, cùng là người đam mê chơi lan mà ý thức chán thật, các bác tự bảo vệ tài sản của mình thật cẩn thận nhé!

Chăm sóc cây lan vào mùa nóng như thế nào?

Chăm lan thế nào để có thể qua được mùa hè này, đặc biệt là những ngày hè oi bức như hiện nay ? Đa số những cây lan đều có sở thích ưa mát, chính vì thế tồn tại trong nhiệt độ 35-38 độ C như hiện nay là điều không hề dễ dàng gì. Vậy có cách nào để chống nóng cho phong lan hiệu quả không?

Chống nóng cho phong lan bằng cách tăng lưới che nắng

Chống nóng cho phong lan hiệu quả mùa hè

Chống nóng cho phong lan hiệu quả mùa hè

Đây có lẽ là biện pháp dễ nhất mà bất cứ ai cũng có thể nghĩ ra. Thay vì sử dụng 1 lớp lưới che nắng cho phong lan, bạn có thể căng thêm một lớp lưới nữa để chống nắng cho phong lan. Tăng cường lưới giúp cản trở lượng ánh nắng mặt trời, từ đó hạ thấp nhiệt độ cây lan hấp thụ vào.

Bạn có thể sử dụng lưới xanh hay lưới đen tùy thích, tuy nhiên đừng thấy nắng quá mà sử dụng vải căng nhé. Sử dụng vải gây bí bách, không thoáng gió, đồng thời còn giữ nhiệt lại nên càng làm tình hình tệ hại đi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

Tưới nước hợp lý để giảm nhiệt độ giò lan

Để đảm bảo giò lan không bị khô nóng, nắng gắt, bạn phải có một chế độ nước tưới cực hợp lý. Tuyệt đối không tưới vào buổi sáng  muộn bởi nắng lên sẽ đốt nóng giò lan của bạn nhanh chóng và rất có khả năng biến thành lan “luộc”. Thay vì thế, bạn nên tưới vào buổi tối hoặc sáng sớm, lúc giò lan đã đạt nhiệt độ thấp nhất trong ngày. Với cá nhân tôi, lúc tưới lan phù hợp nhất là khoảng 7-8 giờ tối.

Tưới lan bằng hệ thống phun sương chống nóng

Tưới lan bằng hệ thống phun sương chống nóng

Tuy nhiên, không nên mang vòi phun ra tưới luôn mà các bạn hãy làm mát giàn lan một cách từ từ cho hạ thấp nhiệt độ đã rồi mới tiến hành tưới cây. Nên tận dụng nước làm ướt nền bằng cách đổ nước thật đẫm và phun sương xung quanh giàn khi đã tắt nắng, thường là khoảng 7h. Đến khi nền giàn lan của bạn không còn cảm giác hơi nước nóng bốc lên nữa là ổn. Sau 1 đến 2 tiếng thì giàn lan đã bắt đầu hạ nhiệt, lúc này ta bắt đầu tưới đẫm cho cây có thể hạ nhiệt.

Các bạn lưu ý nước tưới cây không được nóng cũng như không nên tận dụng nước lạnh ( nước đá mát) để hạ nhiệt cho giò lan. Nước lạnh làm cây lan bị sốc nhiệt dễ gây hỏng bộ rễ và lá, làm tổn thương trực tiếp cây lan. Bạn cứ sử dụng nước tưới bình thường, nên kiểm tra nhiệt độ vừa phải trước khi tưới cây.

Lưu ý khi tưới ở dạng phun sương, làm mát giò lan một cách từ từ hạn chế sốc nhiệt đến khi giò lan được nước làm mát hoàn toàn. Lúc này ta bắt đầu tưới đẫm cho cây là được.

Nếu bạn là người chơi lan với quy mô lớn, tưới nước bằng tay là điều không thể, chính vì thế béc tưới cây là điều không thể thiếu đối với hệ thống phun sương. Hiện nay có rất nhiều loại béc tưới cây với giá cả và chủng loại khác nhau cho bạn lựa chọn. Bạn có thể chọn béc tưới phong lan giá tốt nhất, uy tín nhất tại đây

Thay đổi vị trí giò lan phù hợp để chống nóng cho phong lan

Xếp các giò lan, chậu lan khít nhau hơn

Đây là biện pháp chống nóng cho phong lan cực kì hiệu quả. Các giò lan được treo sát nhau vừa giúp giữ nhiệt độ mát mẻ, vừa hạn chế lượng ánh nắng chiếu vào giò lan hơn. Từ đó mà độ ẩm của giò lan vẫn được giữ lại mà không cần tưới nhiều.

Hạ thấp giò lan xuống mặt đất tránh nóng cho lan hiệu quả

Tăng khoảng cách từ giò lan đến lưới che nắng từ 1m lên 1m5 hay 2m (nếu giàn lan của bạn cao ráo). Khoảng cách lớn sẽ giúp phân tán nhiệt độ ánh nắng mặt trời, giúp cây lan tránh hấp thụ nguồn nhiệt độ một cách trực tiếp. Hạ thấp giàn lan xuống gần mặt đất hơn giúp hạn chế sự thoát hơi nước giúp cây không bị khô trong thời tiết như hiện nay.

Giữ vườn thoáng gió để chống nóng cho lan

Mặc dù nóng oi bức, nóng chảy mỡ nhưng yếu tố gió vẫn cực kì quan trọng đối với giàn lan. Gió mùa hè thường mang theo nguồn nhiệt độ lớn và làm giàn lan nhanh bị khô. Tuy nhiên gió không thể thiếu giúp giò lan thông thoáng và hạn chế mầm bệnh. Thay vì thế, bạn có thể xử lý như sau:

Trồng những cây có tán lá thưa, sức sống tốt, có thể trồng vào chậu để có thể di chuyển dễ dàng; đặt chúng trước hướng gió thổi, sau đó phun thật nhiều nước cho gió được bổ sung độ ẩm, đồng thời cản bớt nhiệt độ làm gió mát hơn, đỡ hại lan hơn.

Không nên đặt những chậu cây này sát giàn lan quá sẽ làm giàn lan bí bách, thay vì thế đặt chúng ở nơi đón đầu được hướng gió là ổn.

Xếp những chậu cây có thể chịu nóng, có nhiều lá trực tiếp xuống nền đất, nền giàn lan để đất nền không bị giữ nhiệt giúp giảm bớt nhiệt độ của giàn. Những loại cây có thể trồng để làm mát giàn lan bên dưới thường là cây lá bỏng, cây trường sinh, cây lẻ bạn,..

Tuyệt đối không phân thuốc thời gian nắng nóng này

Nhiều bạn lo lắng giàn lan không chịu được nóng nên tăng cường phân bón cho cây với mục đích tăng sức đề kháng giúp cây tránh nóng hiệu quả. Tuy nhiên điều này hoàn toàn sai lầm. Mùa nắng nóng, nhiệt độ cao đỉnh điểm là lúc cây lan chỉ uống nước cầm hơi mà thôi. Cũng giống như con người, mùa nắng không thể ăn được nhiều mà chỉ đa số là uống nước thôi. Lan cũng vậy, bón phân mùa này cây cực kì khó hấp thu và có hấp thu được cũng làm cây lan nóng gốc, dễ mắc bệnh mà chết.

Nếu bạn muốn cây lan sống tốt, tốt nhất hãy chờ qua mùa nắng gắt này rồi hãy bón phân nhé!

Không tưới nước khi nhiệt độ cây còn rất cao

Đây là điều quan trọng đặc biệt mà có lẽ nhiều người mới chơi không biết. Mặc dù cây lan của bạn có đang nóng đến mấy, cháy lá, héo lá đến mấy cũng phải treo vào chỗ mát hoặc làm môi trường xung quanh nó mát đã rồi đợi cây hạ nhiệt mới được tưới. Bạn cho nguyên giò lan đang nóng bỏng vào nước mát sẽ làm tổn thương cơ giới của cây, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập và phát triển nhanh chóng.

Chống nóng cho phong lan không phải chuyện dễ dàng mà ai cũng biết, thậm chí có nhiều người còn mắc phải sai lầm. Mùa hè ngoài nắng nóng còn mưa nhiệt khiến cây lan không kịp thích nghi và rất dễ bị mầm bệnh tấn công.

Mùa nghỉ của hoa lan, chúng ta cần chăm sóc như thế nào?

Thời tiết se lạnh, nắng đã bớt gắt, những cơn gió mùa bắt đầu về chính là dấu hiệu của mùa đông miền Bắc. Đây là thời gian giá lạnh và cũng chính là mùa nghỉ của hoa lan.

Mùa nghỉ của hoa lan là gì?

Mùa nghỉ của hoa lan là thời gian cần thiết để chúng có thể tạm ngừng phát triển, nghỉ ngơi và bắt đầu đi vào một hành trình phát triển mới. Một số loại lan cần có mùa nghỉ để phân hóa mầm hoa và tỏa sắc khi bắt đầu và chu kì sinh trưởng của năm sau.

Dòng thân thòng thắt ngọn chính là dấu hiệu của mùa nghỉ
Dòng thân thòng thắt ngọn chính là dấu hiệu của mùa nghỉ

Thông thường mùa nghỉ của hoa lan là mùa khô và lạnh. Mùa nghỉ của cây lan thường kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Ở mùa nghỉ của hoa lan, chúng hầu như không phát triển.

Khi qua mùa nghỉ, chúng nhờ nhiệt độ ấm và độ ẩm cao mà phát triển trở lại. Những mầm non mới mọc lên, bộ rễ phát triển tốt hơn.

Những loại lan có mùa nghỉ?

Thật ra không phải tất cả các loài lan đều có mùa nghỉ, và mùa nghỉ của mỗi loài cũng rất khác nhau. Cattleya, Hoàng thảo, Giáng hương, Đai châu… là những loài cần có mùa nghỉ mỗi năm.

Một số loại lan khác sống trong rừng rậm mặc dù đến mùa khô nhưng chúng vẫn có được độ ẩm thích hợp do sống dưới tán cây rậm rạm và lớp mùn trữ nước. Những loài lan này chúng ta sẽ không thấy được sự thay đổi trong mùa nghỉ. Bạn có thể thấy hồ điệp và lan hài vẫn cực kì xanh tốt quanh năm.

Sự nghỉ ngơi của lan có thể chia lan ra làm 2 nhóm:

Nhóm cần thời gian nghỉ ngơi từ 1 – 3 tháng: các loài Hoàng thảo rụng lá, Giáng hương, Đai châu, Cattleya, …

Nhóm có thời gian nghỉ ngơi ngắn 1 – 2 tuần: Hồ Điệp, Lan Hài…

Dấu hiệu khi cây lan bước vào mùa nghỉ:

Với chi giáng hương: mùa nghỉ là mùa có độ ẩm thấp nhất, chúng sẽ có xu thể bỏ lá chân, mặc dù không nhiều nhưng bạn có thể nhận biết bởi giáng hương thuần vườn rất ít khi bỏ lá. Bộ rễ gió của giáng hương cũng ngừng phát triển và không vươn dài trong gió nữa.

Chi lan hoàng thảo có dấu hiệu bước vào mùa nghỉ dễ nhận ra nhất:

Dấu hiệu thắt ngọn, các lá vàng dần rồi rụng hết để lại các giả hành trơ trụi.

Dấu hiệu của dòng lan thân thòng trong mùa nghỉ chính là trụi lá
Dấu hiệu của dòng lan thân thòng trong mùa nghỉ chính là trụi lá

Các giả hành hơi teo tóp và nhăn lại.

Bộ rễ cùng ngừng phát triển, không còn những chiếc rễ trắng xanh vươn dài đi tìm chất dinh dưỡng nữa.

Mầm gốc không phát triển nữa, cây lan coi như đứng hình luôn.

Vào mùa nghỉ, bạn nhìn góc vườn hoàng thảo sẽ thấy chán luôn, y như đống cành khô. Tuy nhiên qua mùa đông sẽ là thời điểm chúng bung lụa khoe sắc hương cho đời. Vậy bước vào mùa nghỉ chúng ta cần chăm lan như thế nào?

Cách chăm sóc cây lan khi bước vào mùa nghỉ:

Đối với cây đã thuần vườn, ghép lâu:

Độ ẩm: Hạn chế tưới lại, khoảng thời gian giữa các lần tưới nên thưa dần. Bắt đầu mùa nghỉ bạn nên hạn chế tưới để chúng bắt đầu quen dần. Khi có dấu hiệu thắt ngọn và bắt đầu rụng lá, bạn có thể tưới thưa đi. Nếu bình thường 1 ngày 1 lần thì sau đó bạn có thể áp dụng chế độ 2-3 ngày tưới 1 lần.

Cây lan nếu còn đi ngọn thì bạn chăm sóc bình thường, nếu thắt ngọn thì bạn hãy giảm tưới dần dần
Cây lan nếu còn đi ngọn thì bạn chăm sóc bình thường, nếu thắt ngọn thì bạn hãy giảm tưới dần dần

Ảnh: Đăng Trần

Khi cây đã rụng lá được ½ thân thì bạn cắt nước hoàn toàn và đợi đến mùa mưa. Trong khoảng thời gian đó bạn có thể tưới nhẹ 7 – 10 ngày 1 lần ở dạng phun sương để thân cây không bị tóp quá. Bạn có thể tưới thưa hoặc dày hơn một chút tùy điều kiện tiểu khí hậu vườn nhà của bạn.

Trong những ngày rét đậm, sương muối bạn tuyệt đối không được tưới cho lan.

Chế độ nắng: Bạn có thể tăng chế độ nắng cho cây bằng cách tháo dỡ một phần lưới che nắng. Nếu bình thường mùa hè bạn sử dụng 2 lớp lưới thì có thể tháo dỡ ra một lớp. Nếu bạn sử dụng 1 lớp lưới treo lan cách xa mái thì có thể nâng cao vị trí của giò lan lên để chúng có thể đón lấy ánh nắng giúp kích thích phân hóa mầm hoa tốt hơn.

Chế độ gió: Gió mùa đông lạnh rất hanh khô, do đó không tốt cho lan. Bạn có thể cần treo lan nơi ít gió hoặc sử dụng lưới cản gió lại.

Nhiệt độ:

Thông thường người chơi lan quy mô nhỏ không có thiết bị điều khiển nhiệt độ. Nếu có giàn bạn nên để ý những ngày thời tiết quá lạnh, cực đoan, sương muối, băng giá để có biện pháp che chắn cho phù hợp.

Phân bón:

Bạn lưu ý mùa nghỉ tuyệt đối không cần bón phân cho cây. Đây là khoảng thời gian mà bộ rễ của chúng đã nghỉ, bạn có bón phân chúng cũng không hấp thu được. Nếu liều lượng lớn quá sẽ phản lại tác dụng khiến cây xốc thuốc, ngộ độc và khó phát triển hơn. Chế độ phân bón thì bạn nên để thời kì sinh trưởng của chúng để áp dụng cho hiệu quả cao.

Thuốc – bệnh: Thực ra mùa nghỉ khô lạnh cây lan cũng không có nhiều sâu bệnh. Bạn chỉ cần để ý chúng thường xuyên, đảm bảo nhiệt độ không quá lạnh ảnh hưởng đến cây là được.

Đối với cây mới ghép

Với dòng hoàng thảo, mùa đông lạnh chính là mùa thay chậu, thay giá thể, ghép lan mua từ rừng về. Lúc này bộ rễ của chúng hoàn toàn không phát triển nên bạn có thể ghép luôn, giữ cố định gốc, tưới phun sương ẩm một thời gian đầu ( khoảng 1 tuần) sau đó giảm dần và không cần tưới như cây thuần. Đến mùa xuân, mưa phùn thì chúng tự động nảy mầm và bắt đầu phát triển.

Với cây lan đơn thân mới ghép, bạn có thể chăm sóc như sau:

Giữ cây luôn mát mẻ trong khu vực có mái che, tránh mưa nắng trực tiếp.

Cây mới ghép cần giữ ẩm thường xuyên, ngày tưới 1-2 lần nhưng tránh để úng nước. Sau khoảng 2-3 tuần thấy thân không teo tóp, vẫn căng bóng thì có thể bớt tưới, tưới ít như ở cây thuần. Bạn lưu ý ghép vào mùa đông lạnh nên pha nước tưới lan đảm bảo không lạnh buốt cũng không quá ấm sẽ khiến cây lan sốc nhiệt.

Một cây lan với thời gian nghỉ phù hợp với đặc tính của nó sẽ dễ cho hoa hơn và hoa sẽ lớn hơn so với cây lan cùng loài không có thời gian nghỉ.

Như vậy, mùa nghỉ của cây lan chúng ta không cần chăm sóc quá nhiều, đảm bảo chúng có thể duy trì sự sống qua mùa đông lạnh giá là được.

Xem thêm:

Loading...