Skip to content
Trang chủ » Cách trồng và chăm sóc lan phi điệp như thế nào cho chuẩn?

Cách trồng và chăm sóc lan phi điệp như thế nào cho chuẩn?

Lan phi điệp với vẻ đẹp cực đa đạng

Hiện nay, lan phi điệp là một giống lan không hiếm nhưng lại quý với giá thành rất cao mà không phải ai cũng có thể sở hữu một giò to đủ để chơi. Có nhiều người nói rằng lan phi điệp khó trồng, khó phát triển và dễ bị úng nước, nhiễm bệnh. Cũng có nhiều người cho rằng lan phi điệp cực kì dễ sống, có khi vất nhăng vất cuội ở góc vườn, buộc vào thân cây cả tháng cũng sống nhăn răng. Vậy theo các bạn lan phi điệp dễ trồng hay không? Cách trồng và chăm sóc lan phi điệp như thế nào cho chuẩn nhất?

Lan phi điệp có thật sự khó trồng?

Trước đây nhiều người cho rằng lan phi điệp đắt là do chúng khó trồng, hoa đẹp, hương thơm. Tuy nhiên chúng ta dễ dàng thấy rằng khi giá lan phi điệp được đẩy lên quá cao, và hiện nay người ta toàn bán theo thân, theo khóm chứ chẳng mấy ai bán theo kg, lan phi điệp lại được nhiều người nhân giống dễ dàng và với quy mô cực lớn.

Lan phi điệp với vẻ đẹp cực đa đạng
Lan phi điệp với vẻ đẹp cực đa đạng

Lan phi điệp có thể nhân giống cực cực dễ dàng chỉ bằng một mắt ngủ của nó. Kĩ thuật nhân giống vô tính lan phi điệp được nhiều người truyền tai nhau rất nhanh chóng trên mạng. Chính vì thế mà những giống lan phi điệp hoa đẹp, quý thường được mọi người rao bán với mức giá “hữu nghị” bằng cách cắt thân phi điệp già chưa ra hoa thành từng khúc một. Những người tự tin về kĩ thuật ươm kei phi điệp có thể cắt thân cây lan phi điệp thành từng mắt ngủ một. Những người chưa đủ tự tin thì cắt chúng thành từng khúc với chiều dài khoảng 2 đốt ngón tay. Có những người khác thì kích kei ngay từ trên thân cây mẹ và cho kết quả cũng rất khả quan.

Như vậy, bạn có thể hoàn toàn tự tin rằng lan phi điệp trồng cực kì dễ dàng mà không phải lo lắng nhé!

Trồng lan phi điệp vào khoảng thời gian nào là hợp lý nhất?

Trong thời kì cây lan phi điệp đứng ngọn, thường là cuối đông đầu xuân, khi cây phi điệp đã có dấu hiệu xuống lá và mầm gốc bắt đầu sưng lên là có thể trồng thoải mái. Trồng lan phi điệp vào khoảng thời gian này vừa không bị sốc cây, vừa tạo điều kiện thuận lợi để mầm con có nguyên một chu kì sinh trưởng vào năm sau, từ đó đẻ mầm gốc ra có thể dài bằng hoặc hơn thân mẹ.

Tuy nhiên, nếu không lựa chọn được thời gian trồng phi điệp một cách tối ưu nhất, bạn có thể trồng vào bất cứ thời gian nào trong năm. Tuy nhiên cây lan sẽ bị chột, các mầm nảy ra không đảm bảo có đủ 1 chu kì sinh trưởng trong năm nên chiều dài của chúng sẽ ngắn lại khi gặp thời tiết lạnh. Đặc biệt, thân mẹ có thể dài gần 1 mét nhưng nếu trồng vào cuối thu, mầm gốc phát triển có khi chỉ được 20 cm đã thắt ngọn, như vậy giò lan nhìn cực xấu và không thấy có sức sống.

Cách trồng lan phi điệp

Có thể nhiều bạn đã biết cách trồng lan phi điệp như thế nào. Nói về chơi lan, không có định nghĩa nào gọi là chuẩn, là đúng khoa học bởi chơi lan thế nào do tính cách của từng người, không phải cách trồng nào cũng giống nhau. Có vùng trồng theo phương pháp này cây rất phát triển nhưng có những vùng trồng như vậy cây phát triển kém hay thậm chí rất dễ bị nhiễm bệnh. Vậy thì có những nguyên tắc chung nào khi trồng lan phi điệp?

Trước tiên, chúng ta phải hiểu rõ tính cách của nó mới có thể biết cách trồng như thế nào cho chuẩn. Lan phi điệp là loại lan thân thòng, rễ chùm, ưa ẩm, không thích ướt, chịu được nắng mạnh, ưa gió. Nếu hiểu được đặc tính của nó, bạn hoàn toàn có thể trồng lan một cách dễ dàng mà không nhất thiết phải theo bất cứ cách trồng nào cả. Bạn có thể trồng chậu, có thể trồng dớn, trồng lũa. Tuy nhiên hôm nay tôi sẽ hướng dẫn bạn cách trồng lan phi điệp vào dớn bảng hoặc gỗ lũa nhé! Tại sao lại là dớn bảng và lũa ư? Vì đơn giản là ghép vào giá thể này vừa dễ ghép, dễ chăm, dễ gửi cây đi xa, cây phát triển ổn định, thời gian giá thể mục khá lâu 4-5 năm có thể hơn.

Xử lý giá thể trước khi trồng lan

Bước đầu tiên chúng ta cần làm trước khi trồng lan phi điệp từ 3 đến 4 ngày đó là phải chuẩn bị giá thể.

Với dớn chúng ta sẽ ngâm ngập chúng vào một chậu nước vôi có vẩn đục màu trắng ( không phải nước vôi trong) đến khi dớn ngậm no nước, thường là từ 2 đến 3 ngày. Tiếp theo bạn xử dụng nước sạch xả sạch chúng đi là được.

Với gỗ hay lũa, bạn cần phải bóc sạch lớp vỏ cây, sau đó cũng ngâm chúng vào nước vôi từ 2 đến 3 ngày rồi rửa sạch chúng. Lưu ý rằng các bạn nên lấy gạch nặng đè lên để giá thể được ngập trong nước vôi nhé. Việc ngâm nước vôi vừa làm môi trường trung hòa độ chát của axit, tạo môi trường trung tính cho cây lan có thể phát triển. Đồng thời nước vôi tạo môi trường bazơ cực mạnh làm chết các mầm bệnh nấm và vi khuẩn có hại. Đối với các giá thể khác, bạn cũng xử lý tương tự.

Bạn có thể tham khảo: Cách xử lý gỗ trồng lan

Xử lý cây giống phi điệp

Nếu bạn là người không có kĩ thuật chăm sóc lan, hãy cắt bỏ phần rễ hỏng, lá dập và bôi keo liền sẹo để hạn chế cây bị thối nhũn do vi khuẩn. Cứ để nguyên cả khóm to như này cũng được, dễ chăm, dễ sống nhưng chỉ nảy được từ 1 đến 2 mầm gốc mà thôi, bù lại chúng rất to lớn và mập mạp.

Nếu bạn muốn nhân giống phi điệp nhanh chóng từ một khóm, một bụi, bạn hãy tách khóm phi điệp này thành từng thân một. Riêng với mầm năm 1 và năm 2 bạn nên để 2 thân liền nhau, còn đối với các thân từ năm thứ 3 trở đi, bạn cứ mạnh dạn tách từng thân một.

Lưu ý rằng hãy cực kì cẩn thận trong quá trình tách để không làm hư các mắt ngủ ở gốc. Hãy sử dụng những chiếc kéo hoặc dao thật sắc nhọn, sát trùng và tách dứt khoát, cẩn thận, tuyệt đối không được làm hư hỏng. Nếu khóm lan phi điệp của bạn có kích thước to thì có thể tách từng thân một, nếu khóm nhỏ bạn hãy để thành từng khóm 3 thân một để đảm bảo mầm gốc có đủ chất dinh dưỡng mà nảy mầm một cách khỏe mạnh nhất. Sau đó sử dụng keo liền sẹo bôi vào các vết cắt để tránh gốc cây tiếp xúc với nước.

Sau khi tách từng thân hoặc để nguyên khóm, bạn cho tất cả chúng vào một chậu nước pha sẵn Physan 20 SL hoặc Benkona theo liều lượng thấp hơn bao bì một chút. Ngâm ngập chúng trong khoảng 10 – 15 phút rồi với ra treo ngược cho ráo nước.

Để ráo vài tiếng cho cây khô rồi ngâm vào một chậu nước pha sẵn dung dịch kích rễ, kích mầm Hùng Nguyễn hoặc B1 hoặc Atonik. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi khuyên các bạn không nên sử dụng Atonik để ngâm kích rễ khi mà vết thương hay vết keo liền sẹo của cây còn hở. Thực tế tôi đã thấy, với nồng độ lớn của Atonik ngấm vào các vết thương cơ giới của cây rất dễ làm cây nóng lên và xảy ra hiện tượng thối nhũn. Chính vì thế chỉ nên dùng atonik trong trường hợp cây đã lên khỏe thôi nhé. Việc ngâm thuốc kích rễ, kích mầm này giúp cây lấy lại được lượng nước đã mất đi trong quá trình vận chuyển, vừa giúp cây bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết để có thể cho mầm mới tốt hơn, nhanh hơn, khỏe hơn.

Về sử dụng Physan 20SL, có một vài lưu ý khi bạn dùng để chữa lan bị thối nhũn tại đây: Lưu ý khi sử dụng Physan 20 SL chữa trị thối nhũn cho phong lan.

Ngâm cây phi điệp chừng 1-2 tiếng thì bạn vớt ra, lại treo ngược lên cho cây ráo nước khoảng 1 ngày và bắt đầu ghép.

Tiến hành ghép lan phi điệp lên giá thể

Vì thuộc họ thân thòng, chúng ta ghép phi điệp sao cho ngọn cây quay xuống dưới. Tuy nhiên, trước khi ghép chúng ta hãy làm móc treo cho giá thể trước nhé. Tránh trường hợp ghép lan xong xuôi tất cả rồi mới làm móc, lúc này khó buộc móc cũng như làm lung lay gốc cây mới ghép rất hại cây.

Lưu ý rằng bạn nên ghép những mầm cây cũng tuổi vào một bảng đẻ dễ dàng chăm sóc và có chế độ nước tưới, phân bón phù hợp.

Đối với dớn bảng, gỗ dạng bảng, chúng ta dùng khoan đục thành từng hàng lỗ để có thể xuyên dây buộc qua và cố định gốc cây 1 cách dễ dàng. Bạn có thể đục những lỗ cách nhau 2cm để có thể dễ dàng xuyên dây và buộc chặt ở phía sau, vừa chắc chắn, vừa thẩm mĩ.

Có nhiều người nói không cần, dùng dây thép uốn hình chữ U rồi dùng búa đóng ghim ngược vào là được. Trước đây tôi thấy phương pháp này khá ổn, chắc chắn nhưng lại có một nhược điểm là các đinh sắt này dễ bị han và làm rễ cây không phát triển được. Thay vì thế hãy sử dụng dây thít nhựa để sút cho chắc chắn mà cực thẩm mĩ nhé.

Khi ghép bạn bên nhớ rằng hướng phí mắt ngủ ở gốc ra ngoài để cây có thể dễ dàng vươn mầm ra mà không gặp cản trở, đồng thời tránh bị dập nát trong quá trình ghép cây. Bạn nên sử dụng một chút dớn để nhét vào giữa nhánh điệp và giá thế, vừa đảm bảo được độ ẩm, vừa giúp cây không bị dập nát khi thắt dây lại. Lưu ý là chỉ một chút mỏng thôi nhé, nhiều quá không tốt đâu. Hãy để dây thít tránh phần mắt ngủ ra tránh làm hư hại là được.

Nếu bạn đã cố định gốc mà phần ngọn cây điệp của bạn dài nặng, bạn có thể đục thể lỗ để cố định thêm cho cây chắc chắn, tránh bị lay gốc.

Cố định được như vậy là bạn đã ghép xong rồi đó.

Nếu bạn ghép lan phi điệp lên gỗ lũa, chúng ta dùng một đoạn dây nhựa ( thường là tôi cắt từ ống bơm nước) và sử dụng thêm súng bắn đinh ghim để cố định gốc. Lưu ý rằng cắt dây không nên quá to che hết mắt ngủ của cây cũng không nên quá nhỏ dễ gây lung lay gốc.

Cách chăm sóc lan phi điệp

Sau khi ghép lan, bạn có thể treo chúng lên và cho ăn nắng nhẹ khoảng 40-50%. Hôm sau hãy tưới nhé, không cần thiết tưới luôn đâu để tránh những vết thương cơ giới trong quá trình ghép lan. Lưu ý khi mới ghép nên tránh mưa, tuyệt đối là mưa dầm.

Sau từ 5 đến 10 ngày, chúng ta tiến hành phun chế phẩm Hùng Nguyễn 1 lần nồng độ 1ml/1 lít (20 giọt). Mỗi ngày phun sương giữ ẩm nước lã hoặc nước gạo đều được.

Chỉ sau một thời gian, nhanh chậm tùy vào độ khỏe của cây và thời tiết, các mầm gốc sẽ nảy. Cứ tiếp tục phun sương giữ ẩm mỗi ngày đến khi rễ bám giá thể khoảng 5-6cm chúng ta có thể gắn phân cho chúng. Khi cảm thấy cây đã khỏe, ta có thể tăng độ sáng cho cây lên 60-70% để cây thích nghi với môi trường tốt hơn.

Sử dụng hỗn hợp chế Phẩm Hùng Nguyễn + Nano đồng + Trung vi lượng phun định kì mỗi tháng cho lan.

Như vậy đến khi cây thắt ngọn thì giảm nước tưới và chờ hoa thôi.

Chúc các bạn sở hữu được giò lan phi điệp lớn, đẹp như mong muốn.

Một số lưu ý khi trồng lan phi điệp vào mùa nóng

Cách trồng lan phi điệp tốt nhất nên tránh giá thể giữ nước lâu

Chúng ta đều biết phi điệp là loài lan ưa ẩm nhưng rất cần sự thông thoáng của giá thể để thoát nước. Với đặc điểm thân của chúng căng tròn chứa đầy nước, phi điệp có thể chịu khô hạn một chút mà không thể chết. Tuy nhiên, nếu giá thể không phù hợp thì bệnh thối gốc rất dễ xảy ra. Đặc biệt, chỉ mới bắt đầu vào hè thôi nhưng tôi thấy rất nhiều bạn phàn nàn rằng phi điệp của mình bị thối gốc, thối ngọn. Nguy hiểm nhất là thối gốc, chẳng thể chữa nổi nếu các bạn chơi lan phát hiện muộn, do đó giò lan hàng trăm, hàng triệu đồng của bạn có thể bốc hơi bất cứ lúc nào bạn không để ý.

Giá thể phải sạch, xử lý nấm bệnh trước khi trồng

Những người người chơi lan đều biết rằng phải xử lý giá thể trước khi trồng lan. Trong đó giá thể cần phải xử lý nấm mốc và các mầm bệnh tiềm tàng bằng thuốc trị nấm hoặc đơn giản nhất là nước vôi trong. Giá thể theo cây lan phi điệp của bạn trong suốt quãng thời gian dài, có thể từ 3-5 năm. Chính vì thế mặc dù tốn chút thời gian và phức tạp nhưng các bạn không nên bỏ qua giai đoạn này nhé!

Để gốc thoáng

Trồng lan phi điệp có một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là phải giữ gốc cây lan thật thoáng mà không bị vùi lấp bởi giá thể. Nhiều người mới tập chơi lan trồng không khác gì vùi khoai lang vào đất như kiểu sợ cây lan của mình không có gì để ăn. Khi trồng lan phi điệp, các bạn nhớ để gốc cây thoáng ra nhé, vừa để rễ cây có không khí để hô hấp, vừa để không bị giữ nước gây hiện tượng thối gốc mà lại đảm bảo không gian để mầm con có thể mọc lên.

Treo nơi có gió

Tại sao chúng có tên là phong lan? Nắng và gió là điều kiện tự nhiên góp phần làm nên vẻ đẹp của lan phi điệp. Nếu phi lan phi điệp mà không có gió rất kém phát triển, đồng thời nguy cơ nhiễm bệnh cũng rất cao. Qua kết quả trồng lan của nhiều nhà, tôi nhận thấy rằng lan treo nơi càng thoáng càng dễ phát triển và sức đề kháng chống chịu sâu bệnh rất tốt.

Nhiều người chơi lan do bận rộn không có thời gian tưới nên đã số tưới rất đẫm nước vào đêm muộn. Nếu như vườn lan nhà bạn thoáng gió, cây lan hầu như không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên nếu giò lan phi điệp mà treo chỗ kín gió, bí bách thì nước đọng lại rất lâu và dễ gây thối ngọn, thối gốc. Hiện tượng này đặc biệt dễ thấy ở loài long tu chứ không riêng gì phi điệp.

Tránh ánh nắng trực tiếp

Có thể nói rằng, lan phi điệp có sức sống mãnh liệt và có thể chịu đựng được nắng 100% nếu như cây đã thuần. Tuy nhiên, đây là thời điểm nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến 36-40 độ C. Đến người ra nắng còn cháy huống gì đến cây lan. Bạn nên treo giò lan của mình vào chỗ thoáng mát và giảm bớt ánh nắng để cây không bị cháy lá. Bạn có thể treo ở hiên nhà hoặc dưới 1 lớp lưới xanh đen của Thái. Ngoài ra để đảm bảo chúng hạn chế bị nóng quá, anh em cần lưu ý có các biện pháp tránh nóng cho cây như chắn bớt nắng, thường chuyên giữ nền vườn ẩm mát. Lưu ý đừng vì sợ nắng mà treo hẳn lan phi điệp vào dưới mái tôn hoặc mái pro xi măng nhé. Hấp hơi nhiệt từ hai mát này có thể làm giò lan của bạn ra đi nhanh chóng. Cá nhân tôi thường treo dưới tán cây nhãn thưa hoặc hiên nhà là khá ổn.

Nếu bạn treo dưới ánh nắng trực tiếp rất dễ bị sốc nhiệt khiến cây yếu đi nhanh chóng. Mùa hè này mưa nắng thất thường, nếu mưa một trận vừa vừa xong nắng luôn, giò lan của bạn có khác gì bị dội nước sôi vào đâu, nhẹ thì lá cháy, nặng thì thối cả gốc phi điệp chứ chẳng đùa.

Thời gian tưới nước phù hợp, tránh tưới giữa trưa và đêm muộn

Với kinh nghiệm trồng lan phi điệp tránh bệnh hiệu quả nhất, tôi khuyên các bạn tưới nước nên cố định vào một khoảng thời gian trong ngày. Giống như đồng hồ sinh hoạt, cây nhanh chóng thích nghi và phát triển tốt hơn. Đặc biệt những bạn bận bịu không có thời gian tưới cây cũng không nên tưới vào đêm muộn nhé! Nước ngấm qua đêm và đến sáng còn đọng lại trên lá rất dễ nhiễm bệnh. Thay vào đó bạn hãy tưới vào sáng sớm là tốt nhất. Nếu có thời gian bạn tưới vào khoảng 7-8h tối 1 lần nữa là ổn nhất.

Lưu ý đừng tưới phi điệp vào giữa trưa nắng nếu bạn không muốn giò lan giá trị của mình nói lời bye bye.

Phun thuốc chống nấm bệnh định kì

Cách trồng lan phi điệp tránh mầm bệnh hiệu quả đó là phun thuốc phòng chống mầm bệnh. Mùa hè nóng bức là nguyên nhân khiến vi khuẩn và nấm bệnh sinh sôi nảy nở. Để đảm bảo cho vườn lan của bạn nói chung và lan phi điệp nói riêng không bị nấm bệnh, phun nấm bệnh định kì là điều cực kì cần thiết. Các cụ ta đã có câu: phòng bệnh hơn chữa bệnh, chính vì thế một hành động rất nhỏ thôi sẽ cực kì hữu ích đấy. Tôi thường sử dụng nano bạc hay nano đồng pha loãng hơn liều lượng một chút để phun cho vườn lan của mình.

Chúc các bạn thành công!

Xem thêm:

4.7/5 - (14 votes)
Loading...