Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Cách trồng lan cấy mô đạt tỷ lệ sống cao nhất, khoẻ mạnh, phát triển tốt

Cách trồng lan cấy mô đạt tỷ lệ sống cao nhất, khoẻ mạnh, phát triển tốt

Sau khi ngâm kích rễ các bạn vớt ra rổ để ráo nước

Trồng lan cấy mô trong chai có ưu điểm là cho ra số lượng cá thể lớn, nhanh chóng và số lượng cá thể rất đồng đều. Chính điều này đã mở đường cho cung cấp giống hoa lan cho các nhà vườn dễ dàng hơn, chi phí rẻ hơn và hoàn toàn chủ động được nguồn giống. Đối với những người trồng lan quy mô nhỏ như chúng ta cũng hoàn toàn có thể mua các chai lan cấy mô về trồng trong vườn nhà. Vậy cách trồng lan cấy mô như thế nào để đạt tỷ lệ sống cao nhất?

Lan cấy mô là gì?

Cây mô hay còn gọi là phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật. Đây là cách nhân giống vô tính để duy trì và nuôi cấy các tế bào, mô hoặc cơ quan thực vật trong điều kiện vô trùng trên môi trường nuôi cấy giàu dinh dưỡng với những thành phần đã xác định.

Nuôi cấy mô tế bào thực vật là gì?

Nuôi cấy mô tế bào thực vật là gì?

Trong các phương pháp cấy mô tế bào hiện nay, lai tế bào là cách được áp dụng phổ biến nhất. Nguyên nhân là với phương pháp này, bạn hoàn toàn có thể tổng hợp được nguồn gen của cả 2 loài vào trong 1 tế bào, từ đó nhân giống đồng loạt nhanh chóng mà vẫn đảm bảo cây giống chứa những ưu điểm tổng hợp của cả 2 loài.

Ngày nay, khi cây lan ngày càng được nhiều gia đình ưa chuộng trang trí cho gia đình, nguồn giống lan từ rừng tự nhiên là không đủ và cũng cần được bảo vệ. Do đó, nguồn giống lan cấy mô là vô cùng quan trọng, vừa giải quyết vấn đề cung cấp đủ giống mà lại mang đến hiệu quả kinh tế cao.

Những ưu nhược điểm của phương pháp trồng lan cấy mô

Ưu điểm của phương pháp trồng lan cấy mô

Tạo được số lượng cá thể nhiều, đồng loạt, rất thích hợp nhân giống trong các nhà vườn lớn cho tỷ lệ con giống đồng đều

Tạo được loài lan có nguồn gen tuyển chọn mang những đặc tính tốt nhất từ bố mẹ.

Tái sinh acsc cây hoàn chỉnh từ tế bào thực vật đã được biến đổi gen.

Có thể tạo ra các cá thể vô trùng, vận chuyển không lo sợ các yếu tố nấm, sâu bệnh hại cây.

Tạo ra được các cây lan bằng phương pháp nuôi cấy mô từ hạt với tỷ lệ nảy mầm cao hơn rất nhiều so với tự nhiên.

Nhược điểm của phương pháp nuôi cấy lan bằng mô tế bào

Yêu cầu trang thiết bị hiện đại. Tất cả các trang thiết bị từ ống nghiệm, bình tam giác, cốc thí nghiệm, ống nghiệm, lọ thủy tinh, phễu, bình đun môi trường, dao, kéo,… tất cả đều được tiệt trùng tuyệt đối.

Yêu cầu kỹ thuật chính xác, tỉ mỉ, đúng theo quy trình kỹ thuật.

Tốn kém chi phí và thời gian nghiên cứu.

Kỹ thuật trồng lan cấy mô cho người mới chơi

Quy trình nuôi cấy mô tế bào khá nhiều công đoạn và phức tạp, chính vì thế bạn không cần quan tâm, chỉ cần biết là chúng ta hoàn toàn có thể mua lan cấy mô dễ dàng từ các trung tâm nghiên cứu và nhân giống cây trồng. Ngoài ra, tốc độ phát triển của các vườn lan nhanh chóng, các vườn lan lớn hiện nay đều tự chủ nguồn giống cho vườn, bạn cũng có thể đặt mua lan cấy mô ở đây.

Các bước trồng lan cấy mô ra chai, bạn có thể tham khảo tại đây:

Bước 1: Chọn giống lan

Giống lan cấy mô đạt chuẩn phải đảm bảo các điều kiện về kích thước chiều cao của thân lá, bộ rễ. Giống đạt kích thước theo yêu cầu mới đảm bảo tỷ lệ sống cao. Thông thường cây lan giống phải đạt chiều cao từ 3 – 5 cm, cây con không bị bệnh, thạch dinh dưỡng vẫn còn sẽ là tiêu chuẩn đầu tiên để chọn giống.

Chai lan đai châu cấy mô

Chai lan đai châu cấy mô

Hiện nay lan cấy mô được bán phổ biến nhất là 2 dạng: dạng chai thuỷ tinh hoặc bịch nilon. Trong đó dạng chai thuỷ tinh là ổn định hơn cảm hạn chế được các tác động từ bên ngoài nhiều hơn là bịch nilon. Vốn dĩ lan cấy mô trong bịch nilon thường là do nhà vườn tự sản xuất để chủ động nguồn giống và tối giản chi phí thôi. Các bạn nếu mua lan cấy mô nên chọn loại chai nhé, đảm bảo cây khoẻ mà di chuyển đỡ bị dập nát.

Khi mua cây giống về bạn nên để nguyên trong chai, để ngoài vườn ít nhất 3-5  ngày ngoài vườn tránh nắng trực tiếp cho chúng quen dần với môi trường vườn nhà. Nếu cây giống có biểu hiện dập, lớp thạch bị đảo lộn xộn thì tiến hành ra chai ngay.

Bước 2: Ra chai cây lan cấy mô

Đối với bịch nilon, các bạn cắt rộng miệng túi sau đó cho vào chậu nước sạch.

Đối với chai thuỷ tinh, nếu miệng chai lớn có thể lấy cây ra được thì chúng ta đổ nước sạch vào, sau đó lắc nhẹ rồi đổ cây ra chậu nước. Đối với chai thuỷ tinh miệng nhỏ, cây lan lớn chúng ta có thể đập vỡ lớp vỏ chai rồi đổ cây lan ra chậu nước đã chuẩn bị sẵn.

Bước 3: Rửa sạch cây lan trong nước sạch

Yêu cầu của bước 3 rất quan trọng nhưng lại cần nhanh chóng. Bạn cần rửa sạch cây lan trong nước 2-3 lần cho sạch lớp thạch bám trên rễ cây, loại bỏ rễ hay lá bị hư thối. Bạn cần hạn chế tối đa làm tổn thương đến cây con.

Rửa sạch cây lan trong nước sạch

Rửa sạch cây lan trong nước sạch

Tuy nhiên bạn cũng cần làm bước này nhanh chóng, không nên ngâm cây con trong nước quá 5 phút, sau này cây lan rất dễ bị úng khi ra vườn ươm.

Bước 4: Xử lý nấm cho cây

Ngay sau khi đã làm sạch cây lan, bạn cần ngâm toàn bộ cây trong dung dịch trị nấm trong vòng 2 phút. Bạn có thể sử dụng thuốc trị nấm hoặc nước vôi trong đã được để lắng vài ngày trước đó. Tuy nhiên với nước vôi trong các bạn không biết được nồng độ nó là bao nhiêu, pha bao nhiêu với nước là phù hợp nên tốt nhất các bạn cứ dùng thuốc trị nấm có sẵn trên thị trường cho nhanh gọn và đúng khoa học.

Thuốc trị nấm các bạn có thể dùng Citizen 75WP ,Thuốc trị nấm bệnh Bordeaux M 25 WP với liều lượng 0,5g/ 5 lít nước sạch.

Bước 5: Ngâm thuốc kích rễ cho cây

Bạn có thể dùng thuốc kích rễ N3m cho cây lan, liều lượng 1 gam/ 10 lít nước sạch, ngâm trong vòng 5 phút là vớt cây lan ra để ráo nước trên rổ có lót giấy báo.

Sau khi ngâm kích rễ các bạn vớt ra rổ để ráo nước

Sau khi ngâm kích rễ các bạn vớt ra rổ để ráo nước

Các bạn lưu ý nên xếp cây theo thứ tự từ nhỏ đến lớn để cho ráo nước và thông thoáng. Nên dùng rổ bằng phẳng, rộng. Tôi hay dùng rổ nhựa đựng bát, trải 1 lớp báo đã làm ẩm và đặt cây con lên trên giúp cây lan không bị héo lá và rễ mà vẫn đảm bảo thông thoáng cho cây.

Bước 6: Giữ ẩm cho cây làm quen với môi trường

Các bạn trồng lan cấy mô không nên bó cây luôn vào giá thể, cứ để cho cây làm quen với môi trường từ 3-7 ngày.

Tôi thường để cây chỗ thoáng, nắng không trực tiếp, tránh mưa tuyệt đối, ngày phun sương giữ ẩm cho cây 2 lần. Cứ vậy trong 5 ngày thì bắt đầu bó cây vào chậu mô. Trong lúc chờ cây lan làm quen môi trường thì bạn hãy chuẩn bị giá thể ở bước 7.

Bước 7: Xử lý giá thể cho lan cấy mô

Yêu cầu của bước này rất quan trọng. Giá thể trồng lan cần xử lý kĩ thì giá thể trồng lan cấy mô còn quan trọng hơn nhiều. Trong đó tối ưu nhất là giá thể dớn trắng chile và xơ dừa sợi. Các bạn cần xử lý nấm bằng cách luộc hoặc bằng thuốc trị nấm trước khi trồng cây.

Xem thêm: Cách xử lý xơ dừa trồng lan

Bước 8: Trồng lan cấy mô vào chậu nhỏ

Bước này khá đơn giản nhưng yêu cầu bạn phải làm cẩn thận. Bạn dùng dớn trắng quấn quanh gốc cây lan, cần chú ý tránh để hỏng bộ rễ của cây, để hở phần gốc cây, một chút rễ và phần mắt ngủ nổi trên bề mặt dớn để cây có thể phát triển thuận lợi. Đặc biệt mắt ngủ chính là tương lai của cây lan, tuyệt đối phải để nó hở ra bên ngoài.

Tiến hành trồng lan cấy mô vào chậu nhỏ, lưu ý cần để hở gốc cây

Tiến hành trồng lan cấy mô vào chậu nhỏ, lưu ý cần để hở gốc cây

Bạn không nên nhét quá nhiều vào sẽ khiến cho cây không thông thoáng và dẫn đến cây không phát triển. Sau đó nhét cây vào chậu ươm rồi cho ra vỉ. Các bạn nên phân loại kích thước cây cho đồng đều để chăm sóc cho thuận tiện.

Bước 9: Đưa cây ra vườn ươm

Thời gian này các bạn cần đưa cây ra vị trí tránh nắng mưa tuyệt đối. Trong 15 ngày đến 1 tháng đầu, các bạn chỉ được tưới bằng bình phun sương giữ ẩm cho lá cây, không tưới quá đẫm và không tưới sau 4 giờ chiều. Tuỳ thuộc vào thời tiết mà bạn có thể cân nhắc tần suất tưới cây 2-4 lần/ ngày.

Về phân bón, từ tuần thứ 3 các bạn có thể sử dụng vitamin B1, superthrive hoặc n3m tưới cho cây. Nồng độ 30% so với trên bao bì nhà sản xuất, cứ 2 ngày thì tưới 1 lần.

Từ tuần thứ 4 trở đi bạn có thể sử dụng thêm phân bón lá Grow more 30-10-10 để tưới cho cây. Hàm lượng phân bón chỉ 30% trên bao bì, nên phun vào buổi sáng, cứ 2 ngày thì phun 1 lần.

Khi cây đã phát triển cứng cáp có thể dần dần đưa ra vườn ươm cây giống

Khi cây đã phát triển cứng cáp có thể dần dần đưa ra vườn ươm cây giống

Khi cây đã bắt đầu ổn định, bạn có thể sử dụng phân bón cho lan cấy mô thưa hơn, 5-7 ngày 1 lần. Cây con cần tăng trưởng mạnh nên cặp đôi NPK 30.10.10 + B1 là phù hợp nhất. Sau 2 lần phun nồng độ 30% thì bạn có thể tăng nồng độ lên 50 -70%.

Khi cây lan đạt kích thước đáp ứng đủ để trồng cây con thì các bạn có thể trồng vào chậu lớn hơn và đưa dần ra vườn cây giống.

Lúc này toàn bộ quá trình ươm cây lan cấy mô lên cây lan con đã hoàn thành, nghe thì hơi phức tạp và nhiều bước nhưng cứ thực hiện 1 vài lần là các bạn có thể nắm rõ trong lòng bàn tay mà không cần nhìn vào sách vở nữa rồi! Tận hưởng thành quả thôi nào, mất công xíu nhưng nguồn giống quá nhiều và rẻ phải không nào!

Mua lan cấy mô ở đâu chất lượng?

Lan cấy mô ngày nay phổ biến nhất là lan giả hạc ( phi điệp), trầm lai, đai châu, hồ điệp,.. những loại lan có giá trị kinh tế cao và cho hoa đẹp. Các bạn có thể mua lan cấy mô ở các trung tâm nghiên cứu giống cây trồng hoặc tại các vườn lan có quy mô lớn. Tuy nhiên cần lựa chọn giống lan thật kĩ và đạt chuẩn thì mới mua nhé. Có nhiều nơi bán cây lan cấy mô hàng loại, không đạt chuẩn mặc dù giá có rẻ nhưng tỷ lệ sống rất thấp, mất công chăm sóc mà lại chẳng thu hoạch được gì.

Hãy lựa chọn những cơ sở bán lan cấy mô uy tín để mua sản phẩm chất lượng tốt nhất

Hãy lựa chọn những cơ sở bán lan cấy mô uy tín để mua sản phẩm chất lượng tốt nhất

Trên đây là toàn bộ bí kíp trồng lan cấy mô được chamlan.com tổng hợp lại chi tiết nhất. Anh chị em có thể tham khảo áp dụng cho vườn nhà mình. Bài viết này không đủ chuyên sâu nên không dành cho nhà vườn, các nhà vườn thấy chỗ nào chưa hợp lý hoặc cần bổ sung hãy đóng góp ở bình luận bài viết vì một cộng đồng yêu lan phát triển hơn ạ!

Thân ái!

Xem thêm:

Loading...