Chuyển tới nội dung
Trang chủ » [Kinh nghiệm] Cách phân biệt lan hoàng nhạn và tam bảo sắc chuẩn xác

[Kinh nghiệm] Cách phân biệt lan hoàng nhạn và tam bảo sắc chuẩn xác

Một bông giáng hương hoàng nhạn

Có bao giờ bạn thấy nhầm lẫn giữa hai loài lan hoàng nhạn và tam bảo sắc chưa? Tôi dám chắc là không ít người từng bị bối rối với 2 loài lan này đâu. Vậy nhận biết chúng như thế nào cho đúng, hoàng nhạn và tam bảo sắc khác nhau cơ bản ở đâu?

Xét về bộ lá của hoàng nhạn và tam bảo sắc

Phân biệt lan hoàng nhạn qua thân lá rất đơn giản

Phân biệt lan hoàng nhạn qua thân lá rất đơn giản

Hoàng nhạn: lá tương đối ngắn, chỉ khoảng 1 ngón tay hoặc 1 gang tay là căng. Lá thường khum vào và hướng lên trên ngọn. Lá khá dày, mọng nước, các lá thường mọc sát nhau trên thân, một số ít cách xa nhau để hở ra phần thân tròn và tương đối thẳng. Cuống lá lan hoàng nhạn mở ra không khép như tam bảo sắc. Bề mặt lá của hoàng nhạn tương đối bóng hơn so với tam bảo sắc.

Giáng hương tam bảo sắc có lá tương đối dài, thân hình dích dắc

Giáng hương tam bảo sắc có lá tương đối dài, thân hình dích dắc

Tam bảo sắc: Lá tương đối dài, thường lả xuống hoặc tỏa ra 2 bên do trọng lượng lá tương đối nặng. Các lá mọc cách xa nhau để hở ra phần thân hình dích dắc đặc trưng của tam bảo sắc. Cuống lá của tam bảo sắc khép lại ở vị trí sát thân. Bề mặt lá tam bảo sắc không được bóng như hoàng nhạn. Tuy nhiên điều này chỉ đúng khi bạn so sánh lan hàng rừng. Nhà tôi có chậu lan tam bảo sắc trồng 8 năm, ánh nắng vừa phải nhưng lá cũng rất bóng.

Nách lá của lan hoàng nhạn

Nách lá của lan hoàng nhạn khá to và mở

Nách lá của lan tam bảo sắc thường khép lại như thế này

Nách lá của lan tam bảo sắc thường khép lại như thế này

Nhận biết qua thân cây

Hoàng nhạn: Thân tròn, thẳng đứng, cứng cáp. Hoàng nhạn trồng lâu hàng khủng có thể dài tới 70 – 80cm.

Tam bảo sắc: Thân tròn, hình dích dắc, cây thường mọc lả lướt thả xuống bên dưới do sức nặng của bộ lá cực nặng. Nếu trồng lâu năm thì thân của chúng rất dài, lên tới cả mét, thường có ngọn rủ xuống chứ không hướng lên trên như hoàng nhạn.

Bộ rễ của hoàng nhạn và tam bảo sắc

Hoàng nhạn: rễ to vượt trội so với kích thước của nó, thường là màu trắng xám, đầu rễ màu xanh trắng. Cây hoàng nhạn ít rễ hơn tam bảo sắc nhưng rễ rất khỏe và to.

Tam bảo sắc: Rễ của tam bảo sắc có kích thước trung bình so với thân lá của chúng. Rễ màu trắng xám giống hoàng nhạn, đầu rễ màu trắng xanh nếu trồng trong mát, ăn nắng sẽ có màu nâu tím. Cây tam bảo sắc có bộ rễ rất phát triển, bộ rễ phân nhánh thành nhiều rễ nhỏ và rủ thòng xuống như bộ rèm cửa.

Xét về thời gian nở hoa của 2 loài

Hoàng nhạn: Hiện nay có thể nói hoàng nhạn nở tất cả cả mùa trong năm. Bạn tin không? Hoàng nhạn có loại tháng 4 và tháng 8. Nhạn tháng 4 thường nở từ tháng 4 dương lịch đến tháng 7 dương lịch. Hoàng nhạn tháng 8 nở từ tháng 8-9 dương lịch đến tháng 3 năm sau. Vậy chẳng phải 2 loại này có thể cho hoa quanh năm không?

Tam bảo sắc: Hiện nay tam bảo sắc cho hoa từ tháng 4 đến tháng 6 là hết mùa. Có chăng được vài cây cho hoa vào tháng 7.

Xét về bông hoa

Nếu như người mới chơi lan thì sẽ cho rằng khuôn hoa chả khác gì nhau! Tôi cũng có cả 2 loại này trong vườn, nói thật chứ nếu mà cắt riêng ngồng hoa ra mà đi hỏi thì rất nhiều người nhầm. Nhất là hoàng nhạn với tam bảo sắc hoa vàng ở miền trong. Cả 2 loại này đều có nhiều mặt hoa khác nhau, màu sắc biến thiên mỗi bông một khác nên cực khó nhận biết. Khuôn bông thì y hệt, 5 cánh, lưỡi to xòe và mắt vàng, trắng tùy cây. Có nhiều người phân biệt được 2 loại này qua mặt hoa, chứ tôi thì bó tay!

Một bông giáng hương hoàng nhạn

Một bông giáng hương hoàng nhạn

Người chơi lan lâu năm chuyên về 2 dòng này thì có thể dễ nhận ra với đặc điểm sau:

Lưng của lan hoàng nhạn màu vàng, lưng của tam bảo sắc có phần tối màu nâu.

Lưỡi của lan hoàng nhạn có phần cao hơn, xòe ngang. Lưỡi của lan tam bảo sắc có phần khép xuống dưới và thả sâu hơn.

Về mật độ hoa trên vòi bông, lan hoàng nhạn có mật độ hoa dày hơn, khuôn bông dày dặn hơn, cuống hoa ngắn. Ngược lại, tam bảo sắc có phần thưa hơn, khuôn bông thoáng, cuống hoa dài.

Vòi hoa của chúng cũng tương đối khác nhau. Hoàng nhạn vòi hoa ngắn hơn, màu trắng xanh và vươn lên trên. Tam bảo sắc vòi hoa tương đối dài, màu tím xanh và thả thòng xuống bên dưới.

Tam bảo sắc có khuôn bông tương đối thưa hơn so với hoàng nhạn

Tam bảo sắc có khuôn bông tương đối thưa hơn so với hoàng nhạn

Khuôn bông của tam bảo sắc cực kì giống với hoàng nhạn

Khuôn bông của tam bảo sắc cực kì giống với hoàng nhạn

Xét về hương thơm

Hoàng nhạn: Hoàng nhạn có 2 loại hương thơm khác biệt nhau, một loại của hoàng nhạn tháng 4 hoa thơm mùi chanh xả dễ chịu thoải mái, một loại của hoàng nhạn tháng 8 thơm nồng, ngọt đượm đặc trưng không loài nào có được.

Tam bảo sắc: Hương thơm ngọt, thoang thoảng dễ chịu, không tươi mát như hoàng nhạn tháng 4, không ngào ngạt như hoàng nhạn tháng 8. Tuy nhiên phải những chậu tam bảo sắc hoa vàng khủng thì mùi hương cũng rất ra gì này nọ đấy!

Xét về giá cả

Khỏi phải bàn rồi, ai cũng biết hoàng nhạn đáng chơi hơn, giá trị hơn. Hoàng nhạn giờ đa số là bán theo cây, theo chậu. May ra hàng giống thì bán theo kg. Tam bảo sắc khá rẻ, dao động chỉ tầm 120-250k/kg tùy độ đẹp của cây.

Kết luận

Nếu để mà phân biệt lan hoàng nhạn và tam bảo sắc, các bạn đừng nhìn vào hoa mà cứ thân lá, rễ mà phân biệt cho chuẩn nhất. Ngoài ra, trên thực tế thì tôi thấy ở vùng buôn đôn, nhạn với tam bảo sắc dễ nhầm lẫn nhất do khuôn bông tương đối giống nhau. Các bạn chơi lan không về kinh tế cũng đừng phân biệt so đo chúng làm gì, người chơi lan cứ thấy hoa đẹp là trồng thôi, đâu phải cứ hoàng nhạn là đẹp mà tam bảo sắc là xấu đâu?

Xem thêm:

 

Loading...