Skip to content
Trang chủ » [Chi tiết] Nhận biết và cách trồng lan sóc lào như thế nào là chuẩn?

[Chi tiết] Nhận biết và cách trồng lan sóc lào như thế nào là chuẩn?

Lan sóc lào với vẻ đẹp rực rỡ

Ở phần trước tôi đã hướng dẫn các bạn nhận biết lan sóc ta, hôm nay tôi sẽ chỉ cho các bạn nhận biết lan sóc lào đúng nhất. Vốn dĩ hai loại này đã làm không ít người chơi lan nhầm lẫn, đặc biệt là những người chưa có nhiều kiến thức về lan. Về lan sóc ta, tôi sẽ để lại link bên dưới để bạn tham khảo, còn bây giờ cùng nhau tìm hiểu lan sóc lào nhé!

Lan sóc lào trong những nghiên cứu khoa học

Lan sóc lào với vẻ đẹp rực rỡ
Lan sóc lào với vẻ đẹp rực rỡ

Lan sóc lào có tên tiếng Anh là Aerides multiflora, là một loại lan thuộc chi giáng hương có nhiều hoa. Đúng như tên tiếng Anh của nó: Aerides là chi giáng hương, multiflora viết tắt của Mutli-flowered: nhiều hoa.

Trên Wikipedia tôi thấy có một bài viết về lan giáng hương nhiều hoa nhưng lại ghi là đuôi cáo nhiều hoa, tôi đã sửa lại để mọi người thống nhất cái tên. Cũng có lẽ người viết bài này chưa am hiểu lắm về lan sóc lào. Và cũng có lẽ vẫn còn nhiều người nhầm lẫn lan sóc lào với các loại lan khác có hình thái thân lá và hoa tương đối giống. Về bài viết lan sóc lào trên wikipedia, tôi sẽ dành thời gian để viết một bài mới chi tiết hơn để mọi người hiểu rõ nhất.

Kể từ nay trở đi, tôi đề nghị mọi người chỉ dùng tên khoa học Aerides multiflora hoặc tên Việt Nam là Sóc lào mà thôi. Sự thống nhất về tên gọi sẽ giúp nhiều người dễ dàng nhận biết và phân biệt chúng một cách dễ dàng nhất. Nhiều người bán lan còn dùng cái tên cáo đỏ để đặt cho sóc lào, lạ thật ??

Lan sóc lào là loại lan sống ở nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam,… Tại sao mọi người lại gọi là sóc lào? Có lẽ nó được phát hiện lần đầu ở Lào chăng? Chứ đâu phải mỗi Lào mới có đâu, ở Việt Nam khu vực Tây nguyên, Bình Phước,.. hoặc vùng Tây Bắc vẫn có rất nhiều.

Nhận biết lan sóc lào qua đặc điểm thân lá

Sóc lào giống
Sóc lào giống

Lan sóc lào có thân thẳng đứng hướng lên trên. Hai bên lá mọc xếp và đối xứng với nhau, lá hơi ngả vàng, có cây tim tím chứ không xanh ngắt. Lá sóc lào cực dày, khép khép hình chữ V chứ không mở phẳng ra như các loại lan khác. Lá chúng xếp khít với nhau và tỏa ra hai bên. Các lá hơi cong về hai bên một chút chứ không cong vòm như lá hải yến.

Sóc lào có thể có màu tím do nắng
Sóc lào có thể có màu tím do nắng

Mặc dù thuộc chi giáng hương nhưng sóc lào có bộ rễ không mấy phát triển nếu như mới trồng. Trải qua khoảng thời gian từ năm 2 trở lên tại vườn thì lan sóc lào mới bắt đầu quen và phát triển bộ rễ hơn. Khi đảm bảo tiểu khí hậu vườn nhà tốt thì chắc chắn sẽ trồng tốt mà thôi. Trước đây tôi cứ nghĩ lan sóc lào khó trồng nhưng thực tế thì cũng không khó lắm, sóc lào mặc dù chịu được nắng nhưng khi về vườn bạn phải đáp ứng chúng đủ ẩm, gốc thoáng, chậu cây cố định và cường độ sáng khoảng 60%.

Sóc lào nhận biết qua mặt hoa

Sóc lào có những chùm hoa đẹp, dài thướt tha và cực kì sai hoa. Chính đặc điểm này đã làm nên cái tên Aerides multiflora của nó. Sóc lào có chùm hoa dài, các bông hoa san sát nhau xếp khít tạo thành một chiếc đuôi sóc khá giống với sóc ta. Sóc lào có cuống hoa nhỏ, các bông to xếp khít nhau che đi phần cuống nhìn rất thẩm mỹ.

Tuy nhiên, sóc lào có sự pha trộn màu đẹp hơn với màu tím là chủ đạo. Lưỡi hoa xòe rộng hơn và tím hơn, chính vì thế làm cho bông có phần tím đậm hơn cả sóc ta, đuôi cáo và nghinh xuân. Hai mắt màu trắng hoặc vàng nhạt chứ không nổi bật như đuôi chồn.

Để nhìn rõ hơn về lan sóc lào, bạn có thể nhìn chúng rõ hơn tại đây:

Cận cảnh lan sóc lào
Cận cảnh lan sóc lào
Chùm bông sóc lào
Chùm bông sóc lào
Một giò lan sóc lào của người chơi lan
Một giò lan sóc lào của người chơi lan

Lan sóc lào cho chùm bông mang sắc tím nhất trong các loại lan như đuôi cáo, chồn, đai châu. Chính vì thế, lan sóc lào được rất nhiều người ưa chuộng! Cá nhân tôi thấy sóc lào hoa đẹp hơn cả đuôi cáo, nổi bật hơn và cũng lâu tàn hơn, giá cũng rất rẻ đáng để những người mới chơi sưu tầm các bác ạ!

Cách trồng và chăm sóc lan sóc lào đơn giản

Tôi phải mất đến 3 năm để cảm nhận lại là sóc lào không quá khó trồng. Trước đây tôi trồng tỷ lệ chết khá cao, tuy nhiên giờ thì tôi tự tin với em sóc lào rồi!

Xử lý cây giống:

Sóc lào khi mới mua về thường là trụi hết rễ hoặc được 2-3 cái nhưng cũng không khả quan là mấy. bạn kiểm tra cây xem phần nào thối, dập thì dùng dao ( lưu ý dao phải thật sắc, vết cắt ngọt, phẳng) cắt đi xong rồi bôi keo liền sẹo cho em nó. Bạn treo lên chỗ thoáng mát tránh mưa nắng trực tiếp khoảng 1 ngày cho cây quen với khí hậu và khô liền vết cắt.

Tiếp đến bạn xử lý kích rễ và nấm bệnh cho cây. Nếu cây khỏe mạnh thì chỉ cần ngâm chế phẩm Hùng Nguyễn trong khoảng 15-20 phút rồi vớt ra để cây khô và chờ ghép.

Nếu cây có dấu hiệu bệnh/ nấm thì bạn cần xử lý riêng bằng Ridomil Gold 68WG trong 15p rồi vớt ra cho khô sau đó lại ngâm với B1 để xử lý kích rễ cho cây.

Nói chung các bạn cầu kì là vậy chứ cây khỏe mình hay ghép luôn không cần ngâm gì hết, miễn là thường xuyên theo dõi tình trạng cây và phun phòng trừ bệnh hại cây định kì.

Giá thể trồng cây:

Là dòng giáng hương, sóc lào phù hợp với nhiều loại giá thể khác nhau như vỏ thông, than củi, xơ dừa, dớn dọng, gỗ mảnh, viên đất nung,… tuy nhiên, giá thể mình thấy phù hợp nhất là 1 lớp than củi dưới đáy, tiếp đến là 1 lớp vỏ thông cỡ ngón chân cái, 1 lớp vỏ thông cỡ đầu ngón tay và trên mặt phủ 1 lớp mùn dừa/ dớn chile là ổn. Tất nhiên tùy điều kiện mỗi nhà miễn đảm bảo giá thể thông thoáng, giữ ẩm vừa phải và thoát nước tốt.

Bạn cũng có thể ghép gỗ/ lũa đều được nhưng phải đảm bảo môi trường ẩm mát ban đầu cho cây phát triển.

Ghép cây:

Thời gian đầu cây cần khá nhiều nước để giữ ẩm cho phục hồi phần thân lá căng nước trở lại. Tuy nhiên sóc lào rất hay bị đọng nước ở các kẽ lá gây nên tình trạng thối ngọn. Chính vì vậy mình khuyên các bạn nên trồng vào chậu là hơn cả, vừa đảm bảo đủ ẩm cho cây mà không cần phải tưới quá nhiều lần trong ngày. Khi ghép bạn cần lưu ý cố định cây và để hở gốc cao lên trên bề mặt chậu, tránh tình trạng lấp gốc dễ gây thối.

Bạn cũng có thể ghép gỗ lũa cũng được, tuy nhiên cách này chỉ nên áp dụng với những cây sóc lào to, có lực hơn. Những cây bé các bạn cứ trồng chậu cho tỷ lệ sống cao nhé!

Trong khoảng 3 tháng đầu ghép cây, lan sóc lào ưa ẩm vừa phải, thích mát và chế độ nắng chỉ khoảng 40% là đẹp. Bắt đầu từ tháng thứ 4 bạn có thể tăng dần cường độ ánh sáng cho cây nhưng vẫn phải đảm bảo ẩm cho cây. Đồng thời khi bộ rễ ổn định bạn có thể bón phân cho cây với hàm lượng đạm cao hoặc phân bón hữu cơ đều được. Tuy nhiên nên bón từ từ tránh làm cây sốc phân.

Xem thêm:

5/5 - (2 votes)
Loading...