Địa lan tứ thời là một loài lan quý và được nhiều người ưa thích bởi mặt hoa đẹp, hương thơm nhẹ nhàng thanh tao, hơn thế nữa, loại lan này còn rất dễ trồng, dễ thích nghi với mọi điều kiện sống. Tuy nhiên để loại lan này ra hoa đẹp cũng như chất lượng của hoa thì cách chăm sóc là một việc vô cùng quan trọng. Để hiểu rõ hơn về loại hoa này cũng như cách chăm sóc lan Tứ Thời, chúng ta hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tên gọi, nguồn gốc, phân bố lan Tứ Thời
Tên gọi: Địa lan Tứ Thời. Tên khoa học: Cymbidium ensifolium. Mặc dù tên khoa học như vậy nhưng loại này có nhiều mặt hoa màu sắc khác nhau, về Việt Nam mà chúng ta lại có tên gọi khác nhau như lan Thanh Ngọc, Bạch Ngọc, Tứ Thời hay Tố Tâm. Hôm trước tôi đã có bài viết về lan Bạch Ngọc, bài hôm nay chính là về loài lan Tứ thời.
Nguồn gốc: địa lan Tứ Thời là một loại lan thuộc chi lan kiếm.
Phân bố: lan Tứ Thời phân bố rộng lớn khắp Đông Nam Á, các hải đảo trên Thái Bình Dương đến Hy Lạp Sơn, từ Philippines đến Fidgi trong đó bao gồm cả Việt Nam. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều đây là điều kiện thuận lợi để lan Tứ Thời phát triển và sinh sống.
Cách nhận biết lan tứ thời
Lan Tứ thời vốn dĩ mang danh Tứ thời bởi nó có hoa nở từ cuối hạ tới đầu đông, mỗi năm có tới 2 hoặc 3 đợt hoa quanh các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Thân cây và rễ: cây của lan tứ thời có phần giống với lan bạch ngọc, tuy nhiên hai loại này có sự khác biệt về lá và đặc biệt là mặt hoa. Nếu lan Bạch ngọc có vòi hoa vươn cao, nở rộ, thì lan Tứ thời lại có vẻ đẹp e ấp quyến rũ, vòi hoa và mặt hoa to dấu mình trong lá, không cố vươn lên cao để khoe sắc khoe hương. Ấy vậy mà loại lan này lại rất được yêu thích bởi sức quyến rũ và vẻ đẹp của nó
Mặt lá: lá lan Tứ thời to bản hơn Bạch ngọc, to khoảng từ 0.8cm – 1.5cm, dài tầm 40 – 50cm, mép lá gợn răng cưa, lá dày và cứng, khi lá già mới bắt đầu cong.
Hoa lan: Vòi hoa lan Tứ thời cao chừng 20 – 25 cm có từ 3 đến 5 bông, chúng ngắn hơn và bị lấp trong các đám lá nếu ngắm từ xa. Nhưng khi đến gần, ngắm kỹ từng bông, ta sẽ thấy được sự kỳ diệu của thiên nhiên đã tạo ra một loài hoa đẹp tinh vi đến như vậy. Hoa lan Tứ thời, khá to khoảng 6-8cm. Ba cánh đài và hai cánh hoa màu lục ngọc thạch, có 7 sọc hồng tía, môi hoa trắng có hai hàng chấm đỏ rực rỡ. Đặc biệt, cả Tứ thời và Bạch ngọc đều tỏa ra một loại hương thơm quyến rũ.
Hướng dẫn cách trồng lan tứ thời tại nhà
Chuẩn bị giá thể trước khi trồng: địa lan ưa thoáng và ẩm ướt nên khi trồng loại lan này chúng ta nên lựa chọn giá thể là vỏ thông, dớn vụn, than củi, vỏ lạc hun, xơ dừa và trồng trong những chậu có thể thoát nước tốt. Các bạn lưu ý cần phải xử lý giá thể sạch sẽ trước khi trồng cây.
Xử lý giống:
Lan kiếm tương đối dễ sống, bạn không cần phải cầu kì gì nhiều như những loài lan khác. Dùng kéo cắt tỉa rễ lá hỏng, dập trong quá trình vận chuyển. Sau đó xử lý chống nấm khuẩn Ridomil Gold và kích rễ với các loại thuốc thông dụng hiện nay như vitamin B1, n3m,… Sau đó để ráo nước sẵn sàng trồng cây.
Các bước trồng cây địa lan tứ thời
Bước 1: Đáy chậu bạn có thể lót 1 lớp sỏi hoặc xốp miếng cho cây thoát nước thật tốt.
Bước 2: Rải 1 lớp giá thể tiếp lên bên trên lớp đáy. Bạn ước lượng vị trí giá thể sao cho khi đặt cây lan lên không bị cao quá so với miệng chậu cũng không quá thấp.
Bước 3: Xếp khóm lan đã làm sạch và để ráo nước theo nguyên tắc khóm già xoay vào tâm, khóm non hướng ra miệng chậu. Điều đó giúp cho khi cây non nứt ra từ khóm già sẽ mọc tỏa ra mép chậu đảm bảo cho lan sinh trưởng và lớn lên.
Bước 4: Cho giá thể vào chậu sao cho chất trồng phủ kín ⅓ thân lan. Cố định giả hành để tránh bị lung lay hay tổn thương khi tiếp xúc với chất trồng. Ấn nhẹ nhàng giá thể cho chặt rồi dùng dương xỉ, vụn xỉ than hoặc rêu phủ lên đều được để giữ ẩm cho cây trong quá trình chăm sóc sau này.
Cách chăm sóc địa lan kiếm tứ thời
Ánh sáng: địa lan tứ thời là một trong những loài lan ưa sáng, lan tứ thời sẽ phát triển tốt ở nơi có nhiều ánh sáng, tuy nhiên cũng không nên trồng lan ở nơi có ánh sáng chiếu trực tiếp. Việc bị nắng chiếu trực tiếp sẽ khiến lá lan bị cháy. Khi trồng loại lan này, chúng ta nên trồng dưới giàn có lưới đen che phủ để đảm bảo cho sự phát triển và sinh sản của lan.
Nhiệt độ:
Địa lan Tứ Thời nằm ở khu vực có khí hậu nhiệt đới mát mẻ trong mức từ khoảng 20 – 25 độ C, đối với khí hậu nóng trên 30 độ C ở miền Trung và miền Nam, nên sử dụng thêm các công cụ hỗ trợ làm giảm nhiệt độ không khí như quạt, điều hòa hoặc các thiết bị phun sương. Trong thời tiết hanh khô có thể sử dụng thêm máy phun sương để tăng cường độ ẩm cho cây. Cần đặt chậu cây trong điều kiện thoáng khí nhưng kín gió để cây có điều kiện phát triển tốt hơn, góp phần giảm nhiệt độ và tránh gió làm hư hại cây.
Tưới nước và bón phân:
Tưới nước thích hợp nhất là vào buổi sáng sớm và chiều muộn. Vào mùa hè, nên tưới nước, phun sương thường xuyên và đều đặn cho cây. Vào mùa thu đông, nên giảm lượng nước tưới, đồng thời giảm lượng phân bón để cây phát triển tốt. Trong quá trình trồng và chăm sóc lan, khi cây đạt đến giai đoạn phát triển mạnh chúng ta nên sử dụng phân bón 15 – 15 – 15 và pha loãng với nước để tưới cho cây nhằm kích thích sự phát triển tốt hơn.
Để có một chậu lan Tứ Thời đẹp không khó nếu chúng ta biết cách chăm sóc và hiểu về nó. Trên đây là bài viết hướng dẫn cách trồng và chăm sóc đơn giản nhất dành cho lan Tứ Thời, chúc các bạn thành công trong hành trình chinh phục vẻ đẹp của nó.
Xem thêm: